Càng nóng càng cần tiết kiệm điện

Nền nhiệt độ ở Hà Nội được dự báo sẽ tăng cao trở lại và đợt nắng nóng vừa qua mới chỉ là sự khởi đầu. Có ngày nhiệt độ lên tới ngưỡng 40oC, khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng vọt.

So với sản lượng điện tiêu thụ những ngày bình thường, thì những ngày nắng nóng có nhiệt độ lên đến 38-40oC, sản lượng điện tiêu thụ tăng thêm 25-30%.

Khi trời nắng nóng thì tất cả điều hòa nhiệt độ đều được bật hết cỡ, dẫn đến sự quá tải lưới điện. Nhu cầu dùng điện tăng lên đồng nghĩa với nguy cơ quá tải lưới điện có thể xảy ra, dẫn đến chập, cháy và mất điện. Và khi nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao sẽ còn gây ra nhiều bất lợi cho việc vận hành lưới điện an toàn và liên tục.

Trong đợt nắng nóng đầu tháng 5, trung bình mỗi ngày Hà Nội có khoảng 150 sự cố hạ thế gây mất điện tại một số khu vực. Hiện tượng cháy cầu dao, cầu chì, nhảy aptomat do quá tải xảy ra khá phổ biến ở những nơi mạng lưới điện sinh hoạt cũ kỹ, không đảm bảo an toàn. Một số đường dây lâm vào tình trạng đầy tải hoặc quá tải, một số trạm biến áp trên địa bàn thành phố đã phải vận hành vượt 100% công suất.

“Nhà máy đèn” gồng mình lo ứng phó

Đối phó với tình huống trên, ngành Điện đã có nhiều biện pháp cả về xây dựng hạ tầng, ứng trực xử lý sự cố, tuyên truyền vận động tiết kiệm điện (TKĐ). Riêng Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) đã xây dựng kế hoạch đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục cho nhân dân trên địa bàn thủ đô, hạn chế thấp nhất sự cố có thể xảy ra. Trong những trường hợp khi nhiệt độ từ 36oC trở lên, các công ty điện lực, Công ty Lưới điện Cao thế thành phố Hà Nội, Trung tâm Điều độ Thông tin hoãn cắt điện cao, trung, hạ thế trên lưới điện khu vực Hà Nội. Đồng thời, các đơn vị bố trí cán bộ trực đảm bảo điện, nhất là vào những giờ cao điểm tối, chuẩn bị đủ lực lượng, vật tư thiết bị sẵn sàng xử lý kịp thời những sự cố có thể xảy ra. Việc cấp điện cũng sẽ linh hoạt và hợp lý, hạn chế gián đoạn cấp điện do quá tải.

Các công ty điện lực lên phương án khắc phục đối với các khu vực, các trạm biến áp, các lộ đường dây, các nhánh đường dây bị quá tải trong những ngày qua. Các bộ phận trực điều độ, trực tổng đài 2.2222000 tổ chức trực 24/24 giờ, tiếp nhận đầy đủ thông tin của khách hàng, sau đó thông báo đến các đơn vị có trách nhiệm xử lý và theo dõi việc thực hiện. Đồng thời, ngành Điện tăng cường kiểm tra và phát hiện kịp thời những khu vực có nguy cơ quá tải, xử lý ngay không để xảy ra quá tải gây mất điện. Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chống quá tải trên địa bàn thành phố để đưa vào vận hành.

Hiện EVN HANOI đang triển khai các dự án lưới điện trung, hạ thế nhằm đảm bảo cấp điện an toàn, ổn định cho thủ đô trong dịp hè 2012. Trong năm nay, EVN HANOI có kế hoạch đầu tư 1.700 tỉ đồng cho đường dây và trạm, nâng cấp các trạm biến áp trung thế và hạ thế, thay thế các đường dây cũ bằng đường dây siêu nhiệt, đưa vào vận hành 4 trạm biến áp 110 kV mới, đồng thời nâng cấp 8 trạm biến áp hiện có. Ngoài ra, ngành Điện cũng dự kiến đưa vào vận hành các đường dây và trạm biến áp 220kV Sóc Sơn – Vân Trì, Hà Đông – Thành Công, Vân Trì – Chèm.

Tuy nhiên, hầu hết các công trình trên đều chậm tiến độ. Đến nay, mới có 1/6 trạm biến áp 220kV và 4/11 trạm biến áp 110kV xây mới được hoàn thành. Việc đường dây 500kV Sơn La – Hiệp Hòa đã chính thức hòa lưới và đường dây 220kV sắp hoàn thành sẽ đảm bảo cung ứng điện ổn định cho Hà Nội trong mùa khô 2012. Tuy nhiên, nếu tiến độ các dự án còn lại không được cải thiện thì dù công suất hệ thống đủ, nhưng những năm tới, Hà Nội vẫn có thể thiếu điện. Không có việc cắt điện để tiết kiệm điện, nhưng một số khu vực vẫn có thể bị cắt điện để phục vụ xây dựng, sửa chữa.

Trông đợi ý thức người dân

Công nhân Tổng công ty Điện lực Hà Nội đạp xe tuyên truyền tiết kiệm điện - Ảnh: Trung Dũng.

Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng Hà Nội cùng với EVN HANOI liên tục truyền thông về việc tiết kiệm điện trên Internet, qua các hoạt động tuyên truyền đến từng hộ dân. Các chuyên gia ngành điện cho rằng, nếu người dân Hà Nội biết sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm thì sẽ hạn chế tình trạng quá tải như hiện nay. Nhờ đó, các gia đình, tổ chức và doanh nghiệp không những tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện mà còn giảm thiểu sự cố mất điện. Nhiều mô hình tiết kiệm điện đang được nhân rộng ra toàn thành phố. Chẳng hạn như việc siêu thị Big C mạnh dạn đầu tư 13 tỉ đồng thay toàn bộ hệ thống 32.000 đèn huỳnh quang chiếu sáng tại các cửa hàng và hệ thống điều chỉnh năng lượng tiêu thụ tại siêu thị. Nhờ đó, mỗi năm Big C tiết kiệm được từ 5-7 tỉ đồng.

Công ty Thép miền Nam đưa vào vận hành hệ thống sử dụng khí thải để sấy thép phế liệu, giúp tiết kiệm 15 triệu kWh trong năm 2011. Ông Nguyễn Văn Chuẩn, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Gang Thép Hàn Việt chia sẻ: “Là một doanh nghiệp sản xuất với chi phí phải trả cho năng lượng chiếm tới 70% giá thành sản phẩm nên hơn ai hết, chúng tôi hiểu được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả. Thông qua các chương trình do EVN HANOI tổ chức, chúng tôi đã được tiếp xúc gần hơn với các công nghệ khoa học kỹ thuật tiết điện tiên tiến của Việt Nam và thế giới.

Chúng tôi cũng đã cam kết với phía EVN HANOI và quán triệt thực hiện việc sản xuất 100% vào giờ thấp và trung điểm. Hiện số tiền điện phải trả hàng tháng của chúng tôi lên tới xấp xỉ 4 tỉ đồng, nên nếu chỉ cần tiết kiệm được 10% điện năng tiêu thụ là chúng tôi đã thu được hiệu quả to lớn. Chính vì lẽ đó mà chúng tôi không ngừng đầu tư các phương tiện và áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất trong việc giảm thiểu việc tiêu thụ điện năng, nhưng vẫn đảm bảo tiến độ công việc và chất lượng sản phẩm”.

EVN HANOI  vừa tổ chức khen thưởng các hộ gia đình tiêu biểu sử dụng điện hiệu quả. Đáng chú ý, đối tượng tuyên truyền mà EVN HANOI nhắm tới không chỉ là những trưởng khu, phụ nữ, mà còn có cả học sinh tiểu học. Hy vọng rằng, thủ đô Hà Nội sẽ có một thế hệ “công dân tiết kiệm năng lượng” trong thời gian không xa. Nói về việc tuyên truyền  tiết kiệm điện của ngành điện lực, chị Nguyễn Thị Nga, trú tại số 11, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Tôi nhận thấy chưa lúc nào, TP Hà Nội vào cuộc ráo riết như năm nay.

Ngoài việc được nghe hướng dẫn tiết kiệm điện hàng ngày trên hệ thống loa phát thanh của phường, chúng tôi còn được tuyên truyền chi tiết tại các cuộc họp của tổ dân phố. Rồi hàng ngày các con, các cháu đi học về cũng rất quan tâm và nhắc nhở vấn đề sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả. Cá nhân tôi nhận thấy công tác tuyên truyền tiết kiệm điện đã thấm dần vào từng hộ gia đình, từng ý thức của người dân. Đó là điều rất đáng mừng”.

Có lẽ sau rất nhiều đợt tuyên truyền tiết kiệm điện, với rất nhiều nỗ lực và những biện pháp khác nhau của các cán bộ, công nhân viên ngành Điện, đến thời điểm này người dân thủ đô đã bắt đầu “ngấm” được một cách sâu sắc.

 


  • 11/06/2012 09:53
  • Theo: Petro time
  • 2307


Gửi nhận xét