Khó như... tuyên truyền tiết kiệm điện

Tiết kiệm điện mang lại lợi ích thiết thực cho mỗi người, mỗi gia đình, nhưng tuyên truyền để mọi người dân hiểu và làm theo, không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Nhân viên Điện lực tuyên truyền tiết kiệm điện tại tổ dân phố

“Tôi dùng thì tôi trả tiền”

Là người trực tiếp làm công tác tuyên truyền tiết kiệm điện tại các tổ dân phố, cụm dân cư, anh Đinh Văn Mười (Đội Quản lý khách hàng, Công ty Điện lực Ba Đình) không ít lần bị khách hàng “nói mát”: “Nhà điện bán giá nào thì chúng tôi mua như thế, cần gì phải tuyên truyền”, có khách còn tuyên bố: “Tôi dùng bao nhiêu thì tôi trả tiền bấy nhiêu, sao phải tiết kiệm”. Còn lý lẽ của chủ các nhà hàng, cửa hiệu là: “Tắt đèn quảng cáo, làm sao chúng tôi thu hút được khách hàng”.

Đối với khối cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, ông Hà Tất Thắng - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Điện lực Hoàn Kiếm nhận định, ý thức tiết kiệm điện của những người sử dụng điện trong các cơ quan, công sở chưa tốt, chủ yếu bởi tâm lý “xài điện chùa”, “cha chung không ai khóc”...

Cần nhiều thời gian

Ông Phạm Huy Phong, Phó giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM

Cũng là một tuyên truyền viên, tôi nhận thấy các hộ gia đình là đối tượng khó vận động thực hiện tiết kiệm điện. Phần lớn người dân cứ nhầm tưởng tiết kiệm là phải tắt hết hoặc bỏ những thiết bị điện đang sử dụng, họ chưa thực sự hiểu việc sử dụng điện tiết kiệm mà vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống gia đình. Thậm chí nhiều người bảo thủ, thích dùng các thiết bị truyền thống dù chúng tiêu tốn rất nhiều điện năng như bóng đèn sợi đốt. Một số người lại kém ý thức đối với cộng đồng, họ tuyên bố rằng “tôi dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu chứ có chiếm đoạt, trộm cắp của ai đâu”, “tôi có tiền nên có quyền xài theo cách mình thích”,…

Với những trường hợp như thế này, chúng tôi phải rất vất vả để làm cho họ hiểu rằng việc sử dụng tiết kiệm năng lượng nói chung chính là cách vừa tiết kiệm cho gia đình, lại vừa giảm được những nguy hại cho môi trường, mà thế hệ con cháu mình sau này là những người chịu nhiều ảnh hưởng hơn ai hết

Ông Nguyễn Quỳnh Tiến – Phó chủ tịch UBND phường Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai tuyên truyền tiết kiệm điện tại “quận điểm” của Hà Nội cho rằng, ý thức của người dùng điện sẽ “không thể ngày một ngày hai mà thay đổi ngay được, nhất là khi chúng ta còn thiếu những chế tài để xử lý các trường hợp lãng phí”. Theo ông Tiến, “mưa dầm thấm lâu”, việc tuyên truyền tiết kiệm điện cần phải tiếp tục cho đến khi nào người sử dụng được thấm nhuần.

Bằng kinh nghiệm quản lý khách hàng nhiều năm, anh Mười cho rằng, khi gặp những tình huống khách hàng không hợp tác, tuyên truyền viên tuyệt đối không nên tỏ thái độ chán nản, thất vọng hay bực bội, cứ kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của người dân, rồi từ từ giải thích để thuyết phục họ.

Tuyên truyền viên - họ là ai?

Ghi nhận tại một số công ty điện lực ở khu vực Hà Nội, lực lượng tuyên truyền viên hiện nay chủ yếu là kiêm nhiệm. Đó là các anh, chị nhân viên thu ngân, ghi chỉ số công tơ, quản lý vận hành… Cụ thể là đội tuyên truyền của Công ty Điện lực Hoàn Kiếm, hiện có 6 người, thì tất cả đều là kiêm nhiệm. Để đảm bảo hoàn thành công việc tuyên truyền, đội ngũ này phải tự đào tạo lẫn nhau, tập thuyết trình với nhau, đó là chưa kể phải làm thêm giờ, vì đa phần các buổi tuyên truyền ở phường, cụm dân cư diễn ra vào buổi tối.

Một số đơn vị khác cho rằng, kinh phí cho công tác tập huấn tuyên truyền tiết kiệm điện cũng là một khó khăn không nhỏ. Mặc dù Tổng công ty đã có chính sách hỗ trợ, nhưng nguồn kinh phí này còn hạn hẹp. Xác định tuyên truyền tiết kiệm điện là công tác lâu dài và phải tiến hành thường xuyên, theo ông Phạm Đại Nghĩa – Phó giám đốc Công ty Điện lực Hoàn Kiếm thì đội ngũ tuyên truyền viên cần được đào tạo bài bản để nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc hơn nữa… 

Các hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện tại EVN HANOI trong quý I/2012:

- 30.000 tờ rơi, 1.000 poster và gần 100 băng rôn hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2012.

- 80.000 tờ rơi tuyên truyền tiết kiệm điện phát đến khách hàng

- 6.000 bản cam kết sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả thu được của người dân

- 70.000 bản đăng ký sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả của gia đình học sinh tiểu học

- 60 buổi tuyên truyền tiết kiệm điện trên toàn thành phố với khoảng 6.000 tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn.

- 71 buổi giao lưu học sinh tiểu học chung tay tiết kiệm điện với sự tham gia của 70.000 học sinh. 

 


  • 31/05/2012 01:58
  • Theo TCĐL chuyên đề Thế giới điện
  • 2330


Gửi nhận xét