Từ những nghiên cứu về Led
Công nghệ chiếu sáng đã trải qua nhiều cuộc cách mạng, cụ thể là sự chuyển tiếp từ bóng đèn sợi đốt sang bóng huỳnh quang, sau đó là Led. Bóng sợi đốt được Edison phát minh năm 1879, đến ngày nay vẫn có hiệu suất thấp (từ 10-17 lm/W), tức là khoảng dưới 4% điện năng được chuyển thành ánh sáng. Đèn huỳnh quang chứa thủy ngân được P.Cooper Hewitt phát minh năm 1900, ngày nay đạt tối đa 70 lm/W, được sử dụng phổ biến từ những năm 1950 đến nay. Trong khi đó, đèn Led ngày nay đã đạt được hiệu suất 300 lm/W, hay 150 lm/W với các sản phẩm thương mại, chuyển đổi 50% điện năng thành ánh sáng. Giải Nobel Vật lý 2014 được trao tặng cho Giáo sư Asamu Akasaki, Hiroshi Amano (ĐH Nagova) và Giáo sư Shuji Nakamura (ĐH California, Santa Barbara, Hoa Kỳ), với nội dung: “Phát minh Led blue hiệu suất cao, cho phép tạo ra nguồn sáng trắng rất sáng và tiết kiệm năng lượng. Led đỏ và xanh lục đã có từ lâu, nhưng nhờ có Led blue, chúng ta mới có nguồn sáng trắng tiết kiệm năng lượng và tuổi thọ cao…”.
Đến vị Tổng Giám đốc có tầm nhìn công nghệ
Là một trong những đơn vị tiên phong của Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo, sản xuất đèn Led và triển khai thành công trong nông nghiệp, những đóng góp của Led mang thương hiệu Rạng Đông (Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông) trong phát triển sản phẩm này là rất lớn.
Đón bắt xu hướng, cũng như tiềm năng phát triển của đèn Led, ngay từ năm 2011, Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng đã khai trương Trung tâm R&D với nhiệm vụ chính là nghiên cứu, làm chủ công nghệ chiếu sáng hiện đại, trong đó đặc biệt chú ý tới chế tạo đèn Led sử dụng trong chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao. Với quyết định này, chiến lược phát triển về khoa học công nghệ của Công ty đã chuyển từ khai thác các hợp đồng khoa học công nghệ ngắn hạn, riêng rẽ sang việc đầu tư dài hạn, đổi mới một cách có hệ thống, toàn diện trong toàn bộ các khâu hoạt động của Công ty.
Một trung tâm nghiên cứu triển khai thuộc doanh nghiệp, nhưng Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng ngoài việc thu hút người tài, còn mạnh dạn đầu tư hàng chục tỉ đồng mua sắm vật tư, trang thiết bị cho Trung tâm. Đến nay, Rạng Đông đã trang bị các máy tự động hàn dán chip Led kỹ thuật số; Dây chuyền lắp ráp bộ đèn Led nhiều chủng loại; Dây chuyền lắp ráp bộ nguồn driver cho Led; Thiết bị đo lường và thử nghiệm Led. Đến nay, Rạng Đông đủ khả năng chế tạo, lắp ráp các sản phẩm Led hoàn chỉnh với nhiều gam sản phẩm như Led panen, tube, downlight… Năm 2014, riêng doanh số tiêu thụ sản phẩm Led đã đạt 206 tỷ đồng, góp phần tăng đáng kể tổng doanh thu 2014 và nâng tỷ trọng sản phẩm Led trên doanh thu Công ty từ 1,9% năm 2013 lên 7,2% năm 2014. Dự kiến năm 2019, Led sẽ chiếm 50% doanh thu, đạt 1.500 tỉ đồng, tương đương 20 triệu sản phẩm/năm.
Nơi “giao thoa” của 3 nhà
Không phải tự nhiên mà các nhà khoa học sẵn sàng đầu quân vào Trung tâm R&D của Rạng Đông. Bởi tầm nhìn của người lãnh đạo và trên hết là tấm chân tình, cái cách mà người đứng đầu Rạng Đông đối đãi với họ. Dù ông đã ở tuổi ngoài 70, nhưng trong xưng hô, ông vẫn gọi các nhà khoa học là “thầy” với tất cả sự trân trọng.
Trong chưa đầy 5 năm, Rạng Đông đã hút được gần 60 chuyên gia đầu ngành nhiều lĩnh vực cùng dốc lòng nghiên cứu. Và Led phục vụ nông nghiệp phát triển nông thôn được ưu tiên hàng đầu. Dự án chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao được Bộ Khoa học và Công nghệ đầu tư vốn ngân sách để nghiên cứu trong giai đoạn 2013 - 2015. Thực hiện dự án này, Trung tâm R&D Rạng Đông đang tập trung nghiên cứu, chế tạo các nguồn sáng chuyên dụng cho nông nghiệp, đồng thời nghiên cứu các giải pháp thiết kế hệ thống chiếu sáng chuyên dụng cho các đối tượng khác nhau trong nuôi cấy mô, trong nhà kính, trong trang trại… với mục tiêu cung cấp ánh sáng thích hợp cho sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, tăng năng suất, giảm điện năng tiêu thụ, bảo vệ môi trường.
Bằng tầm nhìn của một nhà quản lý tài năng, Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng đã tìm đến các các viện nghiên cứu, các trường đại học để đặt hàng nghiên cứu và đổi mới sản phẩm của Công ty. Bên cạnh đó, Rạng Đông kết nối với các địa phương như Đà Lạt (trồng hoa cúc), Bình Thuận, Tiền Giang, Long An (trồng thanh long) để đưa các sản phẩm của mình vào triển khai diện rộng, đạt hiệu quả cao. Nhờ việc gắn kết giữa nghiên cứu vào sản xuất, xây dựng phòng nghiên cứu trong doanh nghiệp, Công ty đã tiết kiệm hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Ngoài việc hàng năm Công ty dành 2% doanh thu cho đầu tư hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất, các cổ đông đã quyết định dành thêm 20% lợi nhuận sau thuế cho công tác nghiên cứu khoa học.
Bằng sự năng động dám nghĩ, dám làm và một định hướng chiến lược dài hạn đúng đắn, Rạng Đông đã có bước phát triển rất bền vững, liên tục tăng trưởng hai con số trong suốt hơn 20 năm qua. Năm 2014, Đại hội cổ đông giao cho Tổng Giám đốc Công ty phải đạt lợi nhuận 65 tỷ đồng, thì Công ty đã thực hiện được 86 tỷ, trả cổ tức cho cổ đông 35% bằng tiền mặt.
Những con số ấy càng khẳng định sự thành công của mô hình đổi mới, sáng tạo trong khoa học công nghệ, gắn kết các nhà khoa học với nhà quản lý doanh nghiệp và nhà nông.