Chàng sinh viên với khát vọng biến năng lượng sóng thành điện

Ý tưởng “Biến năng lượng sóng biển thành năng lượng điện” của chàng sinh viên sinh năm 1992 - Nguyễn Chí Định, lớp DD10KSTD - Đại học Bách Khoa TP.HCM đã vinh dự trở thành một trong 17 ý tưởng được thuyết trình tại Cuộc thi thuyết trình “Tuổi trẻ với Biển đảo Tổ quốc”. tietkiemnangluong.vn có cuộc trao đổi với Nguyễn Chí Định về ý tưởng này.

Phóng viên (PV): Chào Chí Định, vì sao bạn lại có ý tưởng muốn biến năng lượng sóng biển thành năng lượng điện?

Nguyễn Chí Định

Nguyễn Chí Định: Hiện nay, nước ta vẫn còn nhiều đảo chưa có điện. Thiếu nguồn điện, cuộc sống của người dân trên đảo rất vất vả, kinh tế chậm phát triển. Trong khi đó, chúng ta có đường bờ biển dài, có nhiều đảo và nguồn năng lượng sóng rất dồi dào, dòng năng lượng trung bình yếu nhất đạt 15kW/m, mạnh nhất 30kW/m. Cụ thể vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), vịnh Gành Rái (Bà Rịa - Vũng Tàu)… hội tụ đủ ba yếu tố: Mật độ năng lượng GWh/km2, tiềm năng GWh, hiệu suất GWh/km.

Làm sao có thể tận dụng nguồn năng lượng thiên nhiên, đặc biệt là sóng biển để tạo ra điện năng, làm phát sáng mái nhà của người dân các huyện đảo là câu hỏi luôn làm tôi phải suy nghĩ. Đó cũng là động lực để tôi nghiên cứu và hình thành ý tưởng “Biến năng lượng sóng biển thành năng lượng điện”

PV: Với ý tưởng này, năng lượng điện sẽ được thu bằng cách nào?

Nguyễn Chí Định: Ý tưởng đề tài này sử dụng bộ biến đổi năng lượng sóng biển chìm Aschimedes Wave Swing (AWS). Hệ thống mẫu gồm có một xilanh dài 35 mét, rộng 10 mét chứa khí nén bên trong khiến phao không chìm, nửa trên chỉ chuyển động theo phương thẳng đứng.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống này như sau: Khi sóng lướt qua, sự tăng khối lượng nước làm gia tăng áp suất cột nước và phần bên trên hệ thống bị đẩy xuống dưới. Giữa hai đợt sóng, cột nước hạ xuống, áp suất hạ theo làm nổi lên phần trên của hệ thống. Sóng biển tạo áp suất trong thiết bị, áp suất làm bơm chuyển động, chuyển động bơm biến thành điện năng. Điện sẽ được chuyển tải qua cáp ngầm lên hòa vào lưới điện quốc gia.

Chúng ta có thể xây dựng các hệ thống nối tiếp nhau đủ để tạo ra năng lượng sử dụng và sinh hoạt hàng ngày. Với hệ thống này sẽ tận dụng nguồn năng lượng vô tận từ sóng biển mà không sợ ảnh hưởng từ hoạt động trên mặt biển vì hệ thống được triển khai dưới mặt nước.

PV: Nếu ai đó nghi ngờ về tính khả thi của ý tưởng này, bạn sẽ trả lời họ thế nào?

Nguyễn Chí Định: Tại phòng Năng lượng xanh của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, tôi đã mô phỏng, tính toán về thông số kĩ thuật, kinh tế, điều kiện thực hiên ngoài thực tế và nhận thấy rằng: Đề tài này nếu được đầu tư về vốn, nhân lực thì có thể triển khai vào thực tế, bởi với kỹ thuật với trình độ hiện nay chúng ta hoàn toàn làm được. Tuy nhiên, do hệ thống này nằm ở dưới nước biển, phải tính tới yếu tố ăn mòn kim loại, nên chi phí lắp đặt, vật liệu là khá cao.

Tôi hi vọng rằng, đề tài của mình, dù chỉ là ý tưởng, nhưng sẽ góp phần xây dựng những đề án năng lượng sạch và cần thiết cho các vùng đảo và các tỉnh ven biển.

PV: Theo bạn, ngoài việc tạo ra các nguồn năng lượng mới, chúng ta cần phải làm gì để đảm bảo an ninh năng lượng?

Nguyễn Chí Định: Nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt. Việc tim kiếm những nguồn năng lượng mới lại đang gặp khó khăn về công nghệ, về vốn…

Tôi cho rằng, trước khi tìm ra những nguồn năng lượng mới, chúng ta cần phải có ý thức sử dụng tiết kiệm những nguồn năng lượng đang có. Hạn chế sử dụng điện; tắt điện khi không dùng đến… là những hành động nhỏ nhưng vô cùng quan trọng trong công cuộc phát triển năng lượng bền vững.

PV: Cảm ơn bạn!

Các đề tài khoa học đã và đang thực hiện của Nguyễn Chí Định :

- Hoàn thiện đề tài nghiên cứu khoa học “Robot hút bụi thông minh” cấp trường năm 2013.

- Hoàn thiện đề tài đồ án “thiết kế máy CNC” năm 2013.

- Đề tài “Biến năng lượng sóng biển thành năng lượng điện”.

 


  • 20/05/2014 08:00
  • Hồng Hoa (thực hiện)
  • 2657