Châu Âu: Năng lượng tái tạo đã vượt năng lượng truyền thống

Báo cáo thường niên “Tổng quan ngành Điện châu Âu năm 2019” do hai tổ chức Sandbag và Agora Energiewende vừa công bố cho thấy, năm 2019, lần đầu tiên tổng sản lượng điện sản xuất tại châu Âu từ các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) đã vượt tổng sản lượng điện sản xuất từ các nguồn năng lượng truyền thống như dầu mỏ, than đá...

Năng lượng tái tạo đã chiếm ưu thế 

Năm 2019 mang lại những tín hiệu tích cực về quá trình chuyển dịch cơ cấu năng lượng của EU. Sản lượng nhiệt điện than trong EU đã giảm 24%; trong khi đó sản lượng điện từ  NLTT đã đạt kỷ lục mới, chiếm 35% tổng sản lượng điện toàn châu Âu, trong đó, điện gió và mặt trời nhiều hơn điện than, đóng góp tới 18% tổng sản lượng điện. Đây được coi là “điểm sáng” trong bức tranh chuyển dịch năng lượng của EU.

Cụ thể, năm 2019, NLTT đã có sản lượng điện chiếm 34,6% điện năng của EU so với 32,8% trong 2018. Trong đó, 84% là mức tăng của điện gió, 18% từ điện mặt trời.
 
Sản lượng điện điện gió và điện mặt trời tăng đã bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng  thủy điện. Cụ thể, trong giai đoạn 2012 - 2019, sản lượng nhiệt điện than giảm 424 TWh, trong khi sản lượng điện khí tăng thêm 116 TWh và sản lượng điện từ năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) tăng 335 TWh.

Điện gió và điện mặt trời đang chiếm ưu thế trong cơ cấu nguồn điện châu Âu

Hiện đã có 6 quốc gia trong EU dừng hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than và 14 quốc gia đã cam kết sẽ không sử dụng nhiệt điện than, chậm nhất vào năm 2030. Đồng thời, các quốc gia này cũng chính là các quốc gia có sự gia tăng lớn nhất về sản xuất điện từ NLTT.  

Theo ông Dave Jones - Chuyên gia phân tích của Sandbag, qua các số liệu trên, có thể thấy, châu Âu đang dẫn đầu thế giới về cơ cấu các nguồn điện, thay nhiệt điện than bằng điện gió và điện mặt trời. Kết quả, đã giảm phát thải khí CO2 trong lĩnh vực sản xuất nhiệt điện.

Tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng

Báo cáo “Tổng quan ngành Điện châu Âu” 2019 đã khẳng định, quá trình chuyển đổi từ các nguồn năng lượng truyền thống sang NLTT vẫn đang tiếp diễn, trong bối cảnh nhu cầu điện năng ngày một gia tăng.

Tháng 11/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành Chiến lược dài hạn về phi carbon hóa trong kinh tế châu Âu. Theo đó, đến năm 2030, các mục tiêu NLTT và hiệu quả sử dụng năng lượng của Châu Âu lần lượt là 20% và 32,5%. Theo tính toán, điện từ nguồn NLTT phải tăng lên 57% vào năm 2030 mới có thể đáp ứng được nhu cầu điện trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, cùng với quá trình điện khí hóa các ngành vận tải, nhiệt năng và công nghiệp cũng đòi hỏi mức tiêu thụ điện năng sẽ tăng 18% vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa với việc phải nâng cao hơn nữa sản lượng điện từ nguồn NLTT.

Dự báo cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 theo Chiến lược dài hạn của Ủy ban châu Âu. Nguồn: Agora Energiewende & Sandbag (2020)

Trong bối cảnh đó, sản xuất điện từ NLTT phải tăng 18% vào năm 2030 để duy trì tỷ lệ 35% trong cơ cấu sản xuất điện hiện nay. Như vậy, hàng năm, việc thực hiện các dự án sản xuất điện từ  NLTT giai đoạn 2019 - 2030 phải tăng gấp đôi so với mức bình quân trong giai đoạn 2010 - 2019.

Về công suất các nhà máy điện, chiến lược dài hạn của EC dự kiến công suất điện gió năm 2030 là 350 GW (tăng từ 200 GW vào cuối năm 2019) và năng lượng mặt trời là 320 GW. Trong đó, dự báo năm 2020 sẽ tạo ra “kỷ lục mới” cho điện gió và mặt trời với công suất đặt mới dự kiến là 18 GW (điện gió) và 21 GW (điện mặt trời), chiếm 35% tổng sản lượng điện sản xuất toàn châu Âu.

Theo các chuyên gia, đây là nhiệm vụ không dễ, nhất là trong lúc dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu nói chung và sự phát triển năng lượng tái tạo nói riêng. Tuy nhiên, theo ông Kadri Simson - Cao ủy phụ trách năng lượng của EU, EC sẽ dành hàng chục tỷ euro vào các dự án năng lượng sạch từ quỹ phục hồi COVID-19 trị giá 750 tỷ euro nhằm đảm bảo cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra không cản trở các “mục tiêu xanh” của EU. 

Báo cáo “Tổng quan ngành Điện châu Âu” được Sandbag và Agora Energiewende công bố hằng năm, cung cấp thông tin tổng quan và cập nhật về quá trình chuyển dịch ngành Điện của EU bao gồm tăng trưởng sản xuất điện từ NLTT, tình hình sản xuất và tiêu thụ điện, phát thải khí CO2 theo các quốc gia.

Các nguồn năng lượng như gió, mặt trời và sinh khối đã cung cấp 47% nhu cầu điện ở Đan Mạch, 30% ở Đức, 28% ở Ireland, 26% ở Bồ Đào Nha, 25% ở Tây Ban Nha và 23% ở Anh. Sản lượng điện từ NLTT đã tăng đến 65 TWh trong năm 2019, bỏ xa mức bình quân 50 TWh/năm giai đoạn 2010 - 2018.


  • 15/09/2020 02:27
  • Nguồn: Tạp chí Điện lực Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 4794