Châu Âu "chậm chân" hơn Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đua về năng lượng sạch

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong 5 năm tới, châu Âu sẽ tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc trong sử dụng năng lượng tái tạo.

Hiện châu Âu đang để mất dần vai trò tiên phong trước hai siêu cường trong lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn này.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Jean-Claude Juncker, đã cam kết đưa châu Âu trở thành khu vực đứng đầu thế giới về sản xuất và sử dụng năng lượng sạch với dự án Liên minh năng lượng tập trung với mục tiêu giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch nhập khẩu và tăng cường chống biến đổi khí hậu.

Tại Trung Quốc, mỗi giờ có thêm 2 máy phát điện gió mới được vận hành. 

Vào tháng 10, Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu nhằm giữ mức tăng của nhiệt độ trái đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, nếu châu Âu không tăng tốc triển khai sử dụng năng lượng tái tạo, khu vực này sẽ không thể hoàn thành mục tiêu từ nay đến năm 2030 đạt mức tối thiểu 27% năng lượng tái tạo trên tổng năng lượng tiêu thụ của khu vực.

Thực trạng của châu Âu

Imke Lübbeke, một quan chức của Văn phòng Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tại châu Âu, nhận định việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo tại châu Âu hiện không đạt tiến độ nên đã bỏ lỡ khá nhiều cơ hội có lợi cho nền kinh tế, sức khỏe người dân và tạo thêm việc làm.

Một bản phân tích của IEA công bố tuần qua cho thấy mức độ sử dụng năng lượng sạch tại EU sẽ chỉ tăng 23% từ nay đến năm 2021, thấp hơn nhiều so với mức tăng 62% ghi nhận được trong sáu năm qua.

Tại châu Âu, Đức là quốc gia đứng đầu trong cuộc đua về sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, tiếp theo là Pháp và Ba Lan. Bên cạnh đó một vài nước châu Âu khác bị IEA chỉ trích vì những yếu kém trong chính sách quốc gia về sử dụng năng lượng bền vững.

Trên thực tế, điện gió mặt đất chưa được triển khai tại Nam và Đông Âu như dự kiến vì bị cắt giảm trợ cấp. Những khó khăn phát sinh khi hòa lưới điện quốc gia hay sự phản đối của dân địa phương khiến ngành điện gió ở Pháp và Anh kéo tụt tăng trưởng của lĩnh vực năng lượng này tại châu Âu.

Còn lý do khác khiến việc triển khai năng lượng sạch tại châu Âu bị chậm trễ. Đó là các nhà đầu tư còn đợi các cải cách về luật điều chỉnh lĩnh vực này trước khi đi đến quyết định đầu tư. EC đang gấp rút soạn thảo một loạt dự luật khuyến khích sử dụng năng lượng sạch nhằm giảm lượng phát khí thải và chống biến đổi khí hậu cho giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Trung Quốc vượt trội

Giám đốc IEA Fatih Birol cho biết cơ quan này đang hỗ trợ việc chuyển đổi thị trường năng lượng thế giới hướng đến năng lượng sạch. Kết quả cho thấy hiện nay khu vực đạt tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực này hầu hết thuộc về các thị trường mới nổi.

Theo báo cáo của IEA, trong năm 2015 mỗi ngày trên thế giới có khoảng nửa triệu tấm pin mặt trời mới được lắp đặt. Còn tại Trung Quốc, mỗi giờ có thêm 2 máy phát điện gió mới được vận hành, giúp nước này chiếm tới 50% tổng số máy phát điện gió trên toàn thế giới và đóng góp 40% vào tỷ lệ tăng trưởng năng lượng tái tạo trên toàn cầu.

Trung Quốc cũng là quốc gia triển khai nhiều dự án mới về năng lượng tái tạo nhất với việc tăng tổng công suất từ nay đến năm 2021 thêm 305 gigawatt (GW). Nguồn năng lượng gió mặt đất, năng lượng sinh học và năng lượng Mặt Trời đang phát triển mạnh trong khi tốc độ tăng trưởng thủy điện đang chậm lại. Lý do các loại hình năng lượng sạch này được thúc đẩy là do những lo lắng liên quan đến chất lượng không khí, các mục tiêu cam kết và môi trường chính trị thuận lợi.

Mỹ trở thành nước đạt tăng trưởng cao thứ 2 về năng lượng sạch, nhất là trong lĩnh vực năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió. Các nhà lãnh đạo Mỹ đã quyết định kéo dài chính sách ưu đãi thuế thêm 5 năm cho lĩnh vực sản xuất năng lượng gió nên đã tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư. 

Tại châu Âu, việc nhập khẩu các sản phẩm dành cho sản xuất điện mặt trời từ Trung Quốc đang trở thành vấn đề gây tranh cãi. Một số người cho rằng các tấm pin Mặt Trời của Trung Quốc được bán dưới giá thành. Những người ủng hộ thì lại kêu gọi dỡ bỏ các rào cản thương mại với mặt hàng này để giúp quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tạo ra ít các-bon tại châu Âu được thuận lợi hơn.

Châu Âu "chậm chân"

Châu Âu đang tỏ ra chậm trễ trong khi Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác đang thực hiện các dự án rất lớn về năng lượng gió. Các nước này cũng có lợi thế so với châu Âu khi không phải đối mặt với khó khăn do sự khác biệt về luật pháp tại các nước thành viên tạo nên.

Các lãnh đạo châu Âu cần nỗ lực hơn nữa để thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Châu Âu cần một thị trường năng lượng năng động, cạnh tranh, dễ kết nối hơn và phù hợp với công nghệ năng lượng tái tạo cần thiết giúp giảm tiêu thụ than đá và nhiên liệu hóa thạch. Nếu không đạt được điều đó, châu Âu có nguy cơ sẽ bị bỏ lại đằng sau trong lĩnh vực năng lượng sạch.

Đầu tháng này tại Morocco, Trung Quốc và Mỹ sẽ họp với lãnh đạo các nước đã phê chuẩn Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu toàn cầu để bàn thảo những bước đi tiếp theo của văn bản này.


  • 07/11/2016 08:54
  • Theo TTXVN
  • 2228