Bắt nguồn từ đam mê những điệu nhảy hiphop, hình ảnh những chiếc đèn lấp lánh nhảy múa trên áo của những vũ công phim Step up, cô gái Nguyễn Ngọc Trâm đã thuyết phục các thành viên Đặng Minh Thắng, Nguyễn Văn Đan, Hoàng Tuấn Anh chọn đề tài "Dancing Led".
Sản phẩm Dancing Led – Những chiếc đèn biết nhảy của nhóm.
|
"Nhóm quyết định làm Dancing Led khi đề tài này vẫn chưa được khai thác ở Việt Nam. Nhìn thấy nhiều vũ công của Việt Nam phải mua những đạo cụ như thế vậy ở nước ngoài với giá thành rất đắt, mình lại càng muốn hoàn thành sản phẩm này", Nguyễn Ngọc Trâm chia sẻ.
Sau 3 tháng từ ngày đăng ký đề tài, nhóm Dancing Led đã mang đến hội đồng bảo vệ đồ án một chiếc áo và một bình nước gắn hàng trăm chiếc đèn LED nhỏ nhẹ xung quanh.
Với "những ánh đèn biết nhảy" bắt mắt, người xem đã không khỏi bị thu hút bởi những những hiệu ứng độc đáo đầy màu sắc. Nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng và thích thú khi biết sản phẩm này do chính sinh viên Việt chế tạo.
Ưu điểm của hệ thống Dancing Led là đã hiển thị được những nội dung ánh sáng theo yêu cầu, tích hợp được nhiều đèn LED, tính toán được ma trận đèn để tạo nên độ ổn định về màu sắc trên áo và trên bình nước.
Ngoài ra, đối với chiếc áo gắn những đèn LED, khi bộ phát tín hiệu đưa ra, ánh sáng, tốc độ màu sắc chạy theo phù hợp với nhịp điệu góp phần tô đẹp cho tiếc mục của các vũ công.
Để hoàn thành đề tài, nhóm sinh viên đã bắt tay vào công việc tìm kiếm những nền công nghệ tiên tiến và phù hợp nhất cho sản phẩm. Nhóm cung đã đặt ra những câu hỏi, tìm kiếm những biện pháp giải quyết.
Qua quá trình làm việc, nhóm Dancing Led đã từ từ giải quyết những bài toán giúp những vũ công nhảy chọn được hiệu ứng thích hợp hay cách giúp cho ánh sáng đèn LED trên áo trở nên ổn định hơn trên phần mềm.
Bên cạnh đó, nhóm còn phải giải quyết những bài toán về phần cứng như ổn định độ sáng của đèn LED trên áo hay cách giảm đi khối lượng, giảm độ cồng kềnh của áo... để đưa sản phẩm trở nên thực tế và có khả năng thương mại hóa hơn.
Chia sẻ điều tâm đắc nhất, nhóm trưởng Đặng Minh Thắng cho biết: "Chiếc áo Dancing Led này có giá chỉ rơi vào tầm 500.000 đồng, bởi tất cả những thiết bị và vật dụng để tạo nên chiếc áo này, nhóm đều có thể tự gia công được. Ngoài ra, việc kết nối với mạng máy tính để tạo nên các hiệu ứng đa dạng giúp bài nhảy trở nên phong phú cũng là điều nhóm đã thực hiện thành công".
Với giá thành 500.000 đồng, những vũ công sẽ có những chiếc áo có thể phát sáng theo sở thích và được cung cấp nhiều hiệu ứng để đáp ứng nhu cầu nhảy múa theo phong cách của chính họ.
Được biết, trước đây, một nhóm nhảy tham gia Vietnam's Got Talent đã phải nhập những chiếc áo có thể phát sáng từ Trung Quốc với giá thành cao thì hiện tại, nhóm đồ án đã tự tin rằng Việt Nam đã có thể sản xuất một chiếc áo như vậy nhưng rẻ hơn rất nhiều.
Việc bắt tay vào cùng làm chung đồ án cũng đã mở ra một cách nhìn mới cho mỗi thành viên trong nhóm. "Phần cứng rất thú vị, không bị bó buộc trong một ngôn ngữ nào cả", Trâm chia sẻ.
Trong khi đó, Đặng Minh Thắng cho rằng quá trình bảo vệ đồ án đã giúp cậu học được nhiều điều . "Không có cái gì quá khó đến mức mình không thể thực hiện được", Thắng nói.
Và cuối cùng, sau khi hoàn thành bảo vệ đồ án một cách tốt đẹp, thành quả của các bạn sinh viên của Dancing Led đạt được chính là sự tự tin và niềm tin vào tương lai.
Chia sẻ về định hướng trong tương lai, nhóm hy vọng sẽ phát triển hơn về cả phần cứng và phần mềm của sản phẩm. Các thành viên sẽ tăng độ ổn định, độ tin cậy của phần cứng và nâng cấp giao diện, tăng số hiệu ứng cho phần mềm.