Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (4E) do Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) phối hợp triển khai dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).
Năng lượng mặt trời hiện đang trở thành một chủ đề "nóng” tại Việt Nam kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg vào tháng 4/2017 ban hành giá mua điện mặt trời ở mức 9,35 cent Mỹ/kWh. Tuy nhiên, theo quyết định này, các nhà máy điện mặt trời sẽ phải hoàn thành việc xây dựng và nối lưới trước ngày 30/6/2019 để được hưởng mức giá nói trên.
Chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu đưa điện mặt trời trở thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo mới chủ chốt trong tương lai với việc nâng công suất lắp đặt hiện đang ở mức 6-7 MW vào cuối năm 2017 và sẽ lên đến 850 MW vào năm 2020 (tương ứng với 1,6% tổng sản lượng điện của Việt Nam) và 12.000 MW vào năm 2030 (tương ứng với 3,3% tổng sản lượng điện của Việt Nam).
Hội thảo là sự kiện quan trọng của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo trong bối cảnh hiện nay nhằm cung cấp thêm các hướng dẫn về nội dung thông tư cho các nhà đầu tư, các chính quyền địa phương và các tổ chức tài chính. Đây cũng là cơ hội để các cấp chính quyền địa phương tìm hiểu thêm về Thông tư 16 và cập nhật tình hình phát triển mới nhất của điện mặt trời giúp quá trình đánh giá và phê duyệt dự án điện mặt trời cấp tỉnh được thuận lợi hơn”, bà Sonia Lioret, Trưởng Dự án 4E của GIZ phát biểu.
Tại hội thảo, đại diện của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã giới thiệu nội dung Thông tư 16 và trả lời các câu hỏi của đại biểu về thông tư. Các chuyên gia tư vấn của GIZ cũng đã chia sẻ những quan sát quốc tế về tình hình phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và trình bày kinh nghiệm quốc tế và khu vực về đánh giá kỹ thuật và tài chính cho các dự án điện mặt trời.