Con số tiềm năng - thực tế

Cùng với điện mặt trời, điện gió được kì vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, khi nguồn năng lượng hóa thạch đã dần cạn kiệt. Hãy cùng nhìn lại những con số thể hiện tiềm năng cũng như thực tế phát triển điện gió tại Việt Nam thời gian qua.

Ảnh minh họa

513.000 MW là tổng công suất điện gió tiềm năng của Việt Nam, lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tiềm năng các nước trong khu vực như Thái Lan là 152.392 MW, Lào: 182.252 MW và Campuchia 26.000 MW. Tại Việt Nam, các tỉnh có tiềm năng điện gió lớn nhất trải từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận.

400 - 500 W/m2 và 7,1 m/giây là mật độ gió và tốc độ gió trung bình trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, nơi có tiềm năng gió lớn nhất Việt Nam (theo kết quả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới). Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 14 vùng gió tiềm năng, trên tổng diện tích khoảng 8.000 ha. Đặc biệt, Ninh Thuận ít có bão và lưu lượng gió trải đều suốt 10 tháng/năm, bảo đảm cho turbin gió phát điện ổn định.

800 MW là tổng công suất điện gió dự kiến đạt được vào năm 2020, theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, chiếm 0,8% tổng công suất nguồn điện. Dự kiến, đến năm 2025 là 2.000 MW (chiếm 1%) và năm 2030 là 6.000 MW (chiếm khoảng 2,1%).

190 MW là tổng công suất điện gió của 7 dự án đã được đưa vào vận hành tính đến tháng 6/2018. Những khó khăn về giá điện, sử dụng đất, vốn, đấu nối và giải tỏa công suất, hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ... là nguyên nhân chính khiến cho số lượng dự án điện gió Việt Nam đi vào vận hành chưa nhiều. Khó khăn về giá điện gió đã được giải quyết khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

30 MW là tổng công suất giai đoạn 1 Nhà máy Điện gió Tuy Phong - Nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam. Nhà máy vận hành từ tháng 4/2012, tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, do Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN) đầu tư. Giai đoạn 1 được xây dựng trên diện tích 350 ha, với 20 trụ tua bin tháp điện gió được nhập từ Cộng hòa Liên Bang Đức (công suất 1,5 MW/trụ tuabin); riêng các trụ tháp ống cao 85 m được sản xuất trong nước.

99,2 MW là tổng công suất Nhà máy Điện gió Bạc Liêu - Nhà máy điện gió lớn nhất nước ta hiện nay. Đây cũng là nhà máy điện gió trên biển đầu tiên của Việt Nam.


  • 12/10/2018 04:43
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Quản lý & Hội nhập
  • 2099