Năng lượng photon không bao giờ cạn kiệt
Tiến sĩ Vũ Huy Toàn cho biết, năng lượng photon được đề cập trong Dự án là nguồn năng lượng hoàn toàn mới. Ông đã chứng minh được rằng, photon là một hạt có cấu trúc từ 2 hạt cơ bản là điện tử và phản điện tử vốn là các hạt chỉ có tương tác điện mà không có tương tác hấp dẫn.
Quá trình tách rời 2 hạt điện tử và phản điện tử cấu tạo nên photon sẽ thu được nguồn năng lượng: 20% dưới dạng điện năng và 80% dưới dạng nhiệt năng. Đáng nói, trữ lượng photon trong không gian lân cận trái đất mỗi năm đủ để cung cấp 1.500 lần nhu cầu năng lượng cả thế giới hàng năm. Trong khi đó, mặt trời và các vì sao thường xuyên gửi photon đến cho trái đất từng giây, từng phút với tốc độ ánh sáng, nên nguồn năng lượng từ photon không bao giờ cạn kiệt.
Theo Tiến sĩ Vũ Huy Toàn, nếu năng lượng mặt trời bắt buộc cần phải có ánh nắng, năng lượng hạt nhân cần phải đảm bảo an toàn, thì các điều kiện về thời tiết, vị trí mặt trời… không ảnh hưởng đến nguồn năng lượng từ photon. Do đó, nếu dự án được hiện thực hóa, những máy phát điện chạy bằng năng lượng photon có thể hoạt động được ở mọi lúc, mọi nơi, kể cả ở những vùng cực hay dưới biển cho tàu ngầm…, cung cấp nguồn điện cho sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt, quá trình thu nguồn năng lượng từ photon cho kết quả là điện năng, nhiệt năng và hạt neutrino - một loại hạt vô hại với môi trường, nên năng lượng từ photon là sạch và an toàn.
Cần nguồn vốn đầu tư lớn
Sơ đồ khối thiết bị thu nhận năng lượng photon hồng ngoại
|
Tiến sĩ Vũ Huy Toàn cho biết, muốn thu được nguồn năng lượng photon, phải tách rời 2 hạt điện tử và phản điện tử cấu tạo nên photon. Hiện nay, CONINCO-MI đã có sơ đồ công nghệ khai thác năng lượng photon công suất 10 kW. Tuy nhiên, để đưa công nghệ này vào triển khai thực tế cần có khoản tiền đầu tư hàng chục tỷ USD.
Năng lượng photon được thu theo quy trình lấy photon từ môi trường xung quanh được máy phát laze tạo ra một chùm tia laze công suất 10 W. Chùm tia này đi qua thiết bị làm chậm ánh sáng để có tốc độ phù hợp (~ 100 m/s) rồi đi vào bộ khuếch đại phân bố. Bộ khuếch đại phân bố hoạt động theo nguyên tắc khuếch đại biên độ dao động của tia laze dọc theo quãng đường di chuyển của nó. Sau một số bước sóng nhất định, tương ứng với các điện cực được cấp điện áp một chiều, khoảng cách giữa hai hạt điện tử và phản điện tử sẽ dãn ra đủ lớn để có thể tách ra rời khỏi nhau và bị hút vào các điện cực tích điện trái dấu tương ứng tạo nên dòng điện một chiều công suất dự kiến khoảng 2.000 W.
Đồng thời với quá trình phân rã này, một nhiệt lượng được giải phóng để cung cấp cho máy phát nhiệt điện với hiệu suất 80% phát ra điện áp xoay chiều có công suất khoảng 6.400 W.
"Là một công nghệ hoàn toàn mới, vốn đầu tư cao nên chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ, đầu tư từ nhà nước. Nếu hiện thực hóa được dự án này, thì đây là một bước ngoặt rất lớn trong ngành năng lượng, bởi đây là nguồn năng lượng mới, vô tận, sạch và an toàn", Tiến sĩ Vũ Huy Toàn chia sẻ.
+ Dự án “Khai thác nguồn năng lượng mới của tương lai - Năng lượng photon" của Tiến sĩ Vũ Huy Toàn đã giành giải 3 tại cuộc thi Sản phẩm - Công nghệ xanh năm 2014.
+ Dự án được thực hiện: Từ 5-10 năm với 4 giai đoạn (Chuẩn bị đầu tư: 2-3 năm; Thiết kế, gia công, lắp ráp thiết bị công nghệ: 1-2 năm; Triển khai thí nghiệm: 1-2 năm; Hoàn thiện và kết thúc: 2-5 năm).
|