Công suất lắp đặt điện mặt trời đạt kỷ lục 98GW

Theo Báo cáo Hiện trạng năng lượng tái tạo toàn cầu năm 2018 (GSR) của REN21, công suất lắp đặt mới của điện mặt trời đạt mức kỷ lục 98 GW. Tổng công suất phát điện bổ sung từ điện mặt trời vào hệ thống điện nhiều hơn so với tổng công suất cộng dồn từ cả ba nguồn than, khí tự nhiên và điện hạt nhân. Điện gió cũng góp phần làm tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo toàn cầu với 52 GW được bổ sung.

Đầu tư vào công suất lắp đặt điện tái tạo mới cao hơn hai lần so với tổng đầu tư mới cho điện từ cả hai nguồn nhiên liệu hóa thạch và hạt nhân, mặc dù vẫn còn khoản tiền trợ giá lớn cho đầu tư điện nhiên liệu hóa thạch. Hơn 2/3 nguồn đầu tư vào sản xuất điện năm 2017 dồn vào năng lượng tái tạo nhờ giá thành ngày càng cạnh tranh hơn và tỷ trọng năng lượng tái tạo trong ngành Điện dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Đầu tư vào năng lượng tái tạo được tập trung vào một số khu vực: Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ chiếm gần 75% nguồn đầu tư vào năng lượng tái tạo thế giới trong năm 2017. Tuy nhiên, khi tính theo đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP), quần đảo Marshall, Rwanda, quần đảo Solomon, Guinea-Bissau, và nhiều quốc gia đang phát triển khác đang đầu tư ngày càng nhiều vào năng lượng tái tạo hơn cả các nước phát triển và nước có nền kinh tế mới nổi.

Nhu cầu năng lượng và lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng đều tăng đáng kể lần đầu tiên trong bốn năm. Lượng phát thải CO2 liên quan đến năng lượng tăng 1,4%. Nhu cầu năng lượng thế giới tăng khoảng 2,1% trong năm 2017 do sự tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế mới nổi cũng như việc tăng dân số. Sự phát triển của năng lượng tái tạo không theo kịp với sự gia tăng nhu cầu năng lượng và việc tiếp tục đầu tư vào năng lượng hóa thạch và điện hạt nhân.

Đang diễn ra sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo trong lĩnh vực điện, tuy nhiên quá trình chuyển dịch đang chậm chạp hơn so với khả năng và mong muốn. Cam kết khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp đặt ra trong Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 khiến cho bản chất của thách thức này trở nên rõ ràng hơn nhiều.

Nếu thế giới đạt được mục tiêu được nêu ra trong Hiệp định Paris thì lĩnh vực sưởi ấm, làm mát và giao thông vận tải cần phải đi theo con đường mà lĩnh vực điện đang đi và phải đi nhanh. Những lĩnh vực này hiện đang: Có ít sự thay đổi trong ứng dụng năng lượng tái tạo trong sưởi ấm và làm mát: năng lượng tái tạo hiện đại cung cấp khoảng 10% của tổng sản xuất nhiệt toàn cầu năm 2015. Chỉ có 48 quốc gia trên thế giới có các mục tiêu quốc gia về năng lượng tái tạo trong lĩnh vực sưởi ấm và làm mát, trong khi 146 nước có mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo cho ngành điện.

Arthouros Zervos, Giám đốc REN21 cho rằng: “Để chuyển dịch năng lượng diễn ra, cần có sự lãnh đạo chính trị của các chính phủ, ví dụ như chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và hạt nhân, đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết, và thiết lập mục tiêu và chính sách rõ ràng cho các lĩnh vực sưởi ấm, làm mát và giao thông vận tải. Nếu không có sự lãnh đạo chính trị này, thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn để đạt được những cam kết về khí hậu và phát triển bền vững".


  • 06/06/2018 02:22
  • Nguồn: http://nangluongsachvietnam.vn
  • 1549