Cùng giải "bài toán" chống lãng phí điện

Tiềm năng tiết kiệm năng lượng nói chung và năng lượng điện nói riêng trong xã hội còn rất lớn. Nếu sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý thì khả năng thiếu điện trong mùa khô 2011 khó có thể xảy ra... Sau đây là ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý về vấn đề cùng giải “bài toán” chống lãng phí điện…

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương: "Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong các lĩnh vực công nghiệp".

Tiềm năng tiết kiệm điện nói riêng và tiết kiệm năng lượng nói chung ở Việt Nam còn rất lớn. Trong lĩnh vực Công nghiệp: ngành Dệt May còn có thể tiết kiệm từ 5 – 15%, ngành Xây dựng dân dụng và Giao thông- Vận tải có thể tiết kiệm tới 30%, ngành Thép 20% và các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh trong lĩnh vực Công nghiệp 20%. Riêng năm 2010, cả nước tiết kiệm được 1% tổng sản lượng điện thương phẩm (khoảng 1 tỷ kWh điện).

Ở giai đoạn II (2011-2015) của Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả sẽ tiếp tục đầu tư chiều sâu theo hướng cải thiện và nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong các lĩnh vực Công nghiệp, Xây dựng và Giao thông- Vận tải trên cơ sở tranh thủ các nguồn tài trợ trong và  ngoài nước.Theo đó, mục tiêu thực hiện tiết kiệm từ 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong giai đoạn này tin tưởng sẽ thành công. 

 

Ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam

Ông NguyễnTấn Lộc, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam: “Tiết kiệm 10% lượng điện tiêu thụ trong sản xuất và tiêu dùng, sẽ không thiếu điện”.

Trong giai đoạn 2006-2011, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai nhiều chương trình, như tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tiết kiệm điện trong nhân dân và khách hàng sử dụng điện. hỗ trợ các nhà sản xuất bóng đèn compact tiết kiệm điện. Nếu trước đây, cả nước mới sử dụng từ 3 – 5 triệu bóng đèn tiết kiệm điện thì đến nay con số này đã lên tới 30 triệu bóng đèn các loại. Có được kết quả này là do đèn sản xuất trong nước có chất lượng cao, giá bán được ưu đãi, kết hợp với các chiến dịch truyền thông có sự hỗ trợ của EVN đưa sản phẩm bóng đèn đến với từng hộ dân. Bên cạnh đó, chương trình giảm tổn thất điện năng trong truyền tải, phân phối và kinh doanh bán điện đã được triển khai liên tục với việc đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng. Kết quả tiết kiệm do giảm tỷ lệ tổn thất điện năng từ năm 2006 đến năm 2009 đạt trên 2,1 tỷ kWh điện. Chương trình giảm tổn thất điện năng của Việt Nam được các tổ chức nước ngoài đánh giá đạt kết quả tốt, đưa tỷ lệ tổn thất điện năng xuống dưới 10%/năm.

Trong các nhóm giải pháp thực hiện, nhóm giải pháp tiết kiệm điện phối hợp với EVN đã tiết kiệm được gần 4,1 tỷ kWh, bằng 1,4% tổng điện thương phẩm, tập trung vào các lĩnh vực sử dụng điện chủ yếu là cơ quan công sở khối hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, sản xuất - kinh doanh và sinh hoạt - dịch vụ. Chỉ thị số 171/CP của Chính phủ quy định rất cụ thể về việc sử dụng điện tiết kiệm. Nếu khách hàng, thực hiện tiết kiệm 10% trong sản xuất, 10% trong tiêu dùng như chỉ đạo của Chính phủ thì khả năng thiếu điện trong mùa khô sẽ khó xảy ra.

Bà Trần Thị Phương Hoa – Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội

Bà Trần Thị Phương Hoa – Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội: “Mỗi hộ gia đình sử dụng từ 3-5 sản phẩm tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt”

Hội LHPN Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ và gia đình tiếp cận kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Năm 2010, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức thành công cuộc thi “Gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức cho hàng ngàn gia đình, vận động 100.000 hộ gia đình 10 quận nội thành tham gia cuộc vận động hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Kết quả cuộc vận động đã góp phần tiết kiệm được 17 triệu kWh, trị giá 15 tỷ đồng.

Năm nay, Hội LHPN Hà Nội tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ và các thành viên trong gia đình nâng cao nhận thức, kỹ năng và ý thức tự giác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sinh hoạt. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền cổ động, hội thi tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Mỗi gia đình sử dụng ít nhất 3 trong 5 loại sản phẩm tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt gia đình.

 

Ông Huỳnh Kim Tước – GĐ Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM (ECC): “Cần có nhận thức đúng trong việc tiết kiệm điện”

Ông Huỳnh Kim Tước – GĐ Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP.HCM

Nếu 1,8 triệu hộ gia đình ở TP.HCM mỗi ngày chỉ cần không sử dụng máy lạnh trong 30 phút hoặc không dùng bàn ủi một lần/ngày là cả TP đã tiết kiệm được 900.000 kWh điện mỗi ngày. Các doanh nghiệp sản xuất hiện đang tiêu thụ khoảng 5,2 tỉ kWh điện/năm, nếu giảm 5% điện tiêu thụ thì tiết kiệm thêm khoảng 800.000 kWh điện/ngày. Song song đó, các tòa nhà và 2.800 công sở ở TP.HCM giảm bớt 10% lượng điện sử dụng thì tiết kiệm được 100.000 kWh điện/ngày. Cộng với kết quả tiết kiệm năng lượng của những năm trước từ sử dụng đúng hệ thống chiếu sáng, hộ gia đình, công nghiệp thì bài toán thiếu điện sẽ được giải quyết. Mỗi việc làm tưởng đơn giản của chúng ta lại có thể giúp ích lớn cho xã hội.

ECC đã xây dựng các giải pháp phù hợp với từng đối tượng khác nhau trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đối với công nghiệp phải đi từ truyền thông, cung cấp thông tin, giải pháp kỹ thuật, pháp lý, tài chính... Còn đối với các hộ gia đình, việc tư vấn để có nhận thức đúng trong khi mua sắm thiết bị, có những chương trình đào tạo cụ thể ngắn hạn, dài hạn, truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, băng rôn… Hàng năm ECC và Tổng công ty Điện lực TP.HCM triển khai những chương trình hợp tác tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm. Năm nay, ECC cùng với Tổng Công ty Điện lực TP.HCM và Hội LHPN TP.HCM triển khai cuộc vận động 1,8 triệu hộ gia đình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

 PGS.TS Phạm Hoàng Lương – Phó hiệu trưởng Đại học Bách Khoa

 

PGS.TS Phạm Hoàng Lương – Phó hiệu trưởng Đại học Bách Khoa: "Doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc quản lý năng lượng"

Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hãy xây dựng chương trình hành động quản lý năng lượng cho tốt trong nội bộ mỗi doanh nghiệp. Trong khi chưa có đủ điều kiện để thay đổi công nghệ vì cần thời gian và vốn lớn. Thông qua phương pháp quản lý tốt, quản lý nội vi trong việc chủ động chi phí và chi phí rất thấp là chúng ta đã góp phần thực hiện việc đảm bảo tiết kiệm năng lượng trong sản xuất. Như vậy, đây là tiền đề của việc cải thiện công nghệ, từng bước thay thế công nghệ trên cơ sở thu lợi từ lợi ích, nguồn thu của việc quản lý nội vi do đội ngũ kiểm toán viên mang lại.


  • 10/02/2011 02:10
  • Theo Tạp chí Điện lực chuyên đề Thế giới điện
  • 3466


Gửi nhận xét