Bài 3: Các chuyên gia, nhà quản lý, đại biểu Quốc hội nói gì?
Từ yêu cầu thực tiễn
PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính khẳng định, cái được lớn nhất khi sớm ban hành Luật Điện lực (sửa đổi) là giúp “khơi thông các điểm nghẽn, các vướng mắc về chính sách, pháp luật để cải cách, đổi mới ngành điện hiệu quả hơn, sát với thực tiễn hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển” - một nhiệm vụ “vô cùng cấp bách hiện nay”.
Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 đã chỉ ra, trong thời gian tới nhu cầu tiêu thụ điện tiếp tục tăng nhanh, từ 8 - 10% mỗi năm, khiến nguy cơ thiếu điện có thể kéo dài trong ngắn - trung và dài hạn tới 2050.
Những bước tiến lớn trong phát triển năng lượng tái tạo đã giúp cải thiện một phần vấn đề thiếu điện, nhưng chưa đủ để bù đắp hoàn toàn. Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, đến cuối năm 2023 đã có 19.000MW điện mặt trời tập trung trong tổng công suất nguồn điện. Nguồn điện gió ngoài khơi có tiềm năng rất lớn, lên tới khoảng 600GW, nhưng chưa có dự án nào được triển khai.
Nhu cầu sử dụng điện tăng cao, cộng với việc thay đổi cơ cấu nguồn điện từ điện than, điện khí truyền thống sang các nguồn năng lượng tái tạo, đặt ra thách thức lớn cho cơ quan quản lý trong việc điều độ hệ thống điện, xây dựng và phát triển lưới điện. “Đây là những bài toán khó cần sớm có lời giải”, PGS.TS. Ngô Trí Long nói.
Việt Nam nằm trong top những nước tiêu thụ năng lượng tương đối lớn so với khu vực và trên thế giới. Trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng dự báo vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Theo kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020 - 2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan, điển hình như việc thiếu điện tại miền Bắc trong tháng 6 năm 2023.
Riêng năm 2025, mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7%, nên tăng trưởng điện cần phải đạt từ 12 - 13%. Dự kiến, tổng công suất cần tăng thêm khoảng 2.297 MW.
Với khát vọng tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp để thu hút các nguồn lực quốc tế đầu tư phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, trong đó có công nghiệp bán dẫn, AI…. Đây là các ngành đòi hỏi nguồn cung điện lớn, không bị gián đoạn. Theo các nghiên cứu, ngành công nghiệp bán dẫn tiêu tốn lượng điện năng khổng lồ, nhiều hơn bất cứ ngành công nghiệp nào khác, các khâu tạo ra con chip không cho phép bất cứ sự gián đoạn nào về điện năng trong quá trình sản xuất, dù là nhỏ nhất. Nhu cầu điện cho công nghiệp bán dẫn lớn hơn cả nhu cầu điện cho ngành ô tô hay lọc hóa dầu.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, giải trình và làm rõ các vấn đề đại biểu nêu trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 7/11 về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) và trước đó là vào chiều 26/10 trong phiên thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, tại Quy hoạch điện VIII, để tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2030, khoảng 6,5 - 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050, điện thương phẩm năm 2025 cần khoảng 335 tỷ kWh, năm 2030 khoảng 505,2 tỷ kWh, đến năm 2050 khoảng 1.114,1 - 1.254,6 tỷ kWh.
“Điều này có nghĩa là chỉ còn hơn 5 năm nữa, chúng ta phải đầu tư gần gấp hai lần tổng công suất toàn hệ thống hiện nay. Hiện tổng công suất đạt gần 80.000 MW trong khi năm 2030 phải đạt tối thiểu 150.524 MW. Đến năm 2050, tức là 25 năm nữa phải đạt gấp 5 lần hiện nay, tương đương 530.000 MW trên phạm vi toàn quốc”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích.
Lãnh đạo Bộ Công Thương thẳng thắn bày tỏ lo ngại về nguy cơ thiếu hụt công suất điện giai đoạn 2026 - 2030 nếu không đạt các mục tiêu đề ra tại Quy hoạch điện VIII, đe dọa an ninh năng lượng quốc gia.
Một ví dụ cụ thể như, trong 13 dự án điện LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) theo Quy hoạch điện VIII chỉ có nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 đang triển khai, các dự án khác đều gặp khó khăn khi cơ chế, chính sách chưa hoàn thiện, vướng mắc kéo dài trong cam kết mua điện, chính sách chuyển ngang giá khí sang giá điện và các điều kiện bảo đảm đầu tư khác để nhà đầu tư có thể vay vốn, thu hồi chi phí đầu tư... Phải thừa nhận thực tế là trừ các doanh nghiệp nhà nước đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ, làm nhiệm vụ chính trị, còn với các nhà đầu tư tư nhân, nước ngoài sẽ không có chuyện bỏ tiền ra đầu tư nếu không thấy được “đường ra”.
Điều này đã được minh chứng qua nhiều hội nghị, hội thảo của Bộ Công Thương và các Hiệp, hội ngành nghề tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cũng như nhiều văn bản pháp luật khác liên quan đến lĩnh vực điện. Đơn cử như tại hội thảo tham vấn ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định về cơ chế DPPA, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu và phát triển điện khí LNG do Bộ Công Thương tổ chức vào chiều 24/4/2024, hội thảo với sự tham dự của gần 20 tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, bên cạnh việc bày tỏ mong muốn được đầu tư các dự án phát triển điện lực vào Việt Nam đặc biệt là dự án năng lượng tái tạo, tuy nhiên các nhà đầu tư cũng khẳng định, chỉ đầu tư với điều kiện tiên quyết là phải có hành lang pháp lý rõ ràng, đủ hấp dẫn, làm cơ sở tính toán bài toán đầu tư.
Cơ hội để đạt mục tiêu Net- zero, thu hút các nguồn lực đầu tư
Năng lượng được xem là ngành quyết định cho cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050. Hiện Chính phủ Việt Nam đang triển khai các cam kết giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trước đó vào tháng 4/2024, tại hội nghị "Thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam: Lộ trình đến thành công" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức. Trong các lĩnh vực kinh tế được bàn luận và các nhóm giải pháp xuyên suốt được đưa ra, năng lượng được xem là ngành quyết định cho cam kết phải thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050.
Luật Điện lực (sửa đổi) đã xây dựng những hành lang pháp lý quan trọng để phát triển năng lượng tái tạo (Ảnh: CTV)
|
Ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ kế hoạch và Đầu tư cho rằng "Ngành năng lượng chiếm đến 60% lượng phát thải của toàn bộ nền kinh tế. Đến năm 2050, tổng lượng phát thải của nền kinh tế do ngành năng lượng chiếm tới 81%. Từ những con số này có thể thấy năng lượng là bài toán thiết yếu nhất."
Năng lượng được xem là ngành quyết định cho cam kết phải thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050 khi mà lượng phát thải carbon của ngành điện chiếm khoảng 70% tổng lượng carbon của nền kinh tế. Do đó, phát triển năng lượng tái tạo là một trong những hoạt động thương mại xanh ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên hiện nay các dự án phát triển nguồn điện xanh, năng lượng tái tạo đang gặp nhiều khó khăn do chính sách chưa đồng bộ, nguồn vốn huy động lớn…
Bên cạnh đó, hạ tầng hệ thống điện chưa đáp ứng được tích hợp tỷ lệ cao năng lượng tái tạo biến đổi (điện mặt trời và gió); vận hành khó khăn (thiếu nguồn linh hoạt, hệ thống lưu trữ năng lượng). Thiếu quy định pháp luật cho phát triển điện gió ngoài khơi; vướng mắc khi thỏa thuận hợp đồng mua bán điện với các dự án điện LNG. Thị trường điện chậm triển khai, chủ yếu vẫn là một người mua; giá điện chưa linh hoạt theo yếu tố đầu vào dù đã có Quyết định 24/2017/QĐ-TTg và Quyết định 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng về điều hành linh hoạt giá điện nhưng quá trình thực hiện chưa làm được.
Ngoài ra, công nghệ, nhiên liệu xanh cho công nghiệp và giao thông vận tải còn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa thị trường hóa, giá thành cao; công nghệ thu giữ, lưu trữ carbon còn nhiều thách thức.
"Việc sớm thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ là cơ sở pháp lý cho triển khai các nguồn điện chạy nền thay thế điện than và nguồn năng lượng tái tạo..” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhấn mạnh.
Ở góc độ hàng hóa xuất nhập khẩu, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa ra những “hàng rào kỹ thuật” về giảm phát thải carbon trong sản phẩm nhập khẩu.
Ông Nguyễn Sỹ Linh - Trưởng ban Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu - Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, các cam kết quốc tế như cam kết về giảm phát thải ròng bằng 0… sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Hiện một số thị trường lớn như thị trường châu Âu đã đề cập đến những quy định liên quan đến dấu vết carbon hay là chuyển dịch năng lượng. Ông Nguyễn Sỹ Linh nêu ví dụ về ngành dệt may. Thời gian qua, doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều do các đơn hàng dịch chuyển sang một quốc gia khác là Banglasdesh.
Do vậy để các sản phẩm xuất khẩu đạt các yêu cầu về phát thải carbon, các doanh nghiệp mong muốn được đầu tư, phát triển các dự án năng lượng mặt trời mái nhà hoặc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ cho sản xuất.
Cần thiết sớm thông qua Luật Điện lực (sửa đổi)
Luật Điện lực (sửa đổi) được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 cùng với dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của các luật: Đầu tư, Đấu thầu, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Quy hoạch (dự thảo Luật) đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi đây là cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời tháo gỡ vướng mắc của nhiều dự án đã tồn tại từ những năm trước cho đến thu hút các dự án đầu tư mới mà nhiều nhà đầu tư còn chờ “Luật” để có quyết định đầu tư.
Nói về tính cấp bách cần sớm thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Thịnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết: Các nội dung Chính phủ trình sửa đổi Luật Điện lực cùng với dự thảo của 4 Luật được đặt ra tại Kỳ họp thứ 8 đều rất cấp thiết, liên quan trực tiếp đến những vấn đề quan trọng, cấp bách
“Nếu những vướng mắc trong Luật Điện lực chậm được sửa đổi, bổ sung thì nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước ngày càng khó khăn; cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng cũng như đa dạng dòng vốn quốc tế đầu tư vào Việt Nam cũng sẽ có thể bị mất đi. Việc phát triển năng lượng tái tạo, nguồn năng lượng mới giảm phát thải cũng sẽ bị hạn chế”- đại biểu Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh.
Đại biểu cho biết, Hội nghị Trung ương 10 đã kết luận công tác xây dựng pháp luật cần được thực hiện kịp thời, tư duy xây dựng pháp luật cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, huy động nguồn lực đầu tư và giải phóng tối đa nguồn lực trong xã hội.
Thực tế cho thấy, việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia có một số vướng mắc trong triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện. Quy hoạch phát triển điện lực (QHPTĐL) có liên quan tới nhiều quy hoạch của các ngành như: Than, dầu khí, năng lượng tái tạo, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch giao thông, Quy hoạch không gian đô thị, Quy hoạch phát triển công nghiệp... Do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện việc đồng bộ hóa các quy hoạch này khá khó khăn do thời điểm xây dựng các quy hoạch thường không trùng khớp nhau. Các số liệu phục vụ quy hoạch chưa hoàn toàn đầy đủ, thiếu đồng bộ dẫn tới các kết quả dự báo, tính toán chưa chính xác.
Là tỉnh nằm trong Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ sẽ xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng, Ninh Thuận hiện có 57 dự án điện gió, điện mặt trời và thủy điện vận hành với tổng công suất 3.749 MW. Năng lượng tái tạo đã đóng góp cho ngân sách tỉnh hơn 7.000 tỉ đồng. Các dự án năng lượng tái tạo đã nâng cao giá trị sử dụng đất đối với các diện tích đất khô cằn, hoang hóa không thể sản xuất nông nghiệp.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng phát triển điện gió hơn 1.400 MW, điện gió ven biển 4.380MW; điện gió ngoài khơi 2.000 MW, điện mặt trời 11.200 MW; điện khí LNG 1.500 MW và thủy điện tích năng 2.400 MW.
Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai các dự án năng lượng tái tạo vừa qua, đại biểu Trần Quốc Nam – Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận cho biết: Từ những bất cập trong hệ thống pháp luật không đồng bộ, thống nhất đã dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đối với việc triển khai thực hiện quy hoạch chưa hiệu quả, thủ tục triển khai dự án phức tạp. Điều này dẫn đến khó khăn cho địa phương trong bố trí nguồn lực đất đai cũng như các nội dung liên quan đến các luật khác.
Là một cử tri đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, tham gia đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), TS.Thái Doãn Hoàng Cầu (tiến sĩ về hành vi kinh tế trong thị trường điện và có hơn 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu về thị trường điện Úc và hiện đang sinh sống làm việc tại Úc) cho rằng, Luật Điện lực (sửa đổi) sớm được ban hành sẽ kịp thời hỗ trợ cho phát triển điện lực, kinh tế - xã hội.
TS.Thái Doãn Hoàng Cầu khẳng định, bản dự luật trình Quốc hội đáp ứng các mục đích, mục tiêu và quan điểm xây dựng luật đã đề ra. Dự luật có tính toàn diện, đồng bộ và liên thông với các luật liên quan và phản ánh các ý kiến góp ý đa chiều hợp lý cần có.
“Là một chuyên gia độc lập, tôi có quan sát, trải nghiệm và đánh giá cao nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, cầu thị của Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự luật, Bộ Công Thương và các đơn vị khác trong quy trình tiếp thu, ghi nhận các ý kiến đóng góp của quần chúng, các cơ quan, tổ chức hữu quan”- TS. Thái Doãn Hoàng Cầu cho hay,
Tất nhiên, dự luật có thể còn chưa hoàn hảo, chưa lường trước mọi yêu cầu thực tiễn phát sinh trong tương lai, hay chưa hoàn toàn đáp ứng mọi yêu cầu, góc nhìn đa chiều, lợi ích khác nhau của mọi tổ chức, cá nhân.
Dù vậy, theo TS.Thái Doãn Hoàng Cầu một trong những điểm tiến bộ nổi bật của dự luật lần này là phân quyền nhiều hơn cho Chính phủ, Bộ Công Thương, các cấp có thẩm quyền trong việc ban hành các quyết định, quy trình, quy định liên quan đặc thù của ngành điện. Các văn bản có tính pháp lý bổ trợ cho Luật Điện lực này sẽ được cập nhật, thay đổi linh hoạt, thường xuyên hơn nhằm đáp ứng các thay đổi nhanh về công nghệ, nhu cầu điện năng, phát triển kinh tế cũng như thiết kế, vận hành các cơ chế thị trường điện, hệ thống điện tương ứng. Nhờ đó, tăng tính khả thi và ổn định của dự luật trước những thay đổi của thực tiễn.
“Trên tinh thần đó, tôi mong và cho rằng dự luật cần sớm được Quốc hội thông qua và ban hành để Luật Điện lực mới sớm hỗ trợ phát triển điện lực, kinh tế - xã hội Việt Nam”- TS. Hoàng Cầu bày tỏ ý kiến.
Còn theo đại biểu Đặng Bích Ngọc - Phó trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu điện năng và công nghệ phát triển không ngừng, qua gần 20 năm thực hiện, Luật Điện lực năm 2004 đã bộc lộ nhiều bất cập đòi hỏi cần được sửa đổi để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Vị nữ đại biểu đến từ Hòa Bình khẳng định: Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ 8 đã bám sát vào các chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội. Đặc biệt, việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới quốc gia và cắt giảm chi phí điện dài hạn. Điều này cũng giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và tăng tính bền vững.
Chiều 26/10 trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội đồng tình sửa đổi Luật Điện lực để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển điện lực với tính chất là ngành kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân, phát triển bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu mọi nguồn lực, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Một trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”- điều này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Tổng Bí thư khẳng định, Tất cả do mình! Thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm gióng lên một hồi chuông thúc giục cả hệ thống chính trị vào cuộc để bắt tay thực thi, hành động.
Sửa đổi Luật Điện lực chính là giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm khơi thông các nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, để Việt Nam vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển bứt phá, điều là này phù hợp với quy luật khách quan của cách mạng Việt Nam và xu thế của thời đại.
Thực hiện Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Việc soạn thảo dự án Luật tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Theo đó, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát, đánh giá các bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến hoạt động điện lực và xây dựng báo cáo rà soát, đã phát hiện có một số luật liên quan trực tiếp đến hoạt động điện lực; xác định rõ những nội dung, chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật Điện lực.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã thực hiện tổng kết, đánh giá quy định của Luật Điện lực hiện hành. Ngày 04 tháng 3 năm 2024, Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được thành lập theo Quyết định số 462/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Trong tháng 3 năm 2024, Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã tổ chức họp, thông qua Đề cương chi tiết luật và Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
|
Link gốc