Đà Nẵng nhân rộng mô hình điện năng lượng mặt trời áp mái tại các trụ sở công

Thành ủy Đà Nẵng vừa ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó nhấn mạnh, ưu tiên khuyến khích phát triển điện năng lượng mặt trời (NLMT) áp mái trong giai đoạn 2020-2025 đạt 80-90% trên tổng số các trụ sở công, như trường học, bệnh viện, chợ, khách sạn...

Vì đây là nguồn năng lượng sạch, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với tình hình thực tế của TP Đà Nẵng.

Trên địa bàn TP Đà Nẵng, thời gian qua, đã có một số trường học được lắp đặt hệ thống điện NLMT áp mái, như trường THPT Hoàng Hoa Thám, THCS Nguyễn Huệ, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu. Các công trình hệ thống điện NLMT áp mái thực hiện tại các trường học này thuộc dự án phát triển NLMT (DSED) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ; Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ Đà Nẵng thực hiện, với tổng công suất lắp đặt 8.25kWp/hệ. 

Theo ông Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, hệ thống điện NLMT áp mái tại trường sau 3 tháng đi vào vận hành đã tiết kiệm được 25-30% tổng nhu cầu sử dụng điện của nhà trường, tính ra mỗi tháng tiết kiệm chi phí cho nhà trường trung bình 2,2 triệu đồng. 

Nhiều trường học ở TP Đà Nẵng đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái

Lãnh đạo các trường THPT Hoàng Hoa Thám và THCS Nguyễn Huệ cũng cho rằng, với hệ thống điện NLMT áp mái, nhà trường tiết kiệm được 25% tổng nhu cầu sử dụng điện; góp phần bảo vệ môi trường, giáo dục cho học sinh việc tiết kiệm điện. 

Được biết, ngoài các trường học nêu trên, dự án DSED cũng lắp đặt thí điểm hệ thống điện NLMT tại Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Đà Nẵng (công suất 8,25kWp/hệ) và 6 hộ nhà dân (công suất 2.75kWp/hệ)… Tổng số 10 hệ thống điện NLMT đã đi vào vận hành và hòa lên lưới điện quốc gia. Theo tính toán, các hệ thống này mỗi năm tạo ra tổng sản lượng điện khoảng 72.270kWh; tiết kiệm cho mỗi cơ sở công 26 triệu đồng/hệ và mỗi hộ gia đình 8,6 triệu đồng/hệ…

Với lợi ích từ các hệ thống điện NLMT áp mái mang lại, hiện nay nhiều cơ sở công và hộ dân trên địa bàn TP Đà Nẵng đã lựa chọn giải pháp này để tiết kiệm chi phí tiền điện; góp phần giảm sức ép về nhu cầu điện lên lưới điện quốc gia và bảo vệ môi trường. 

Ông Nguyễn Nhường, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, UBND quận Liên Chiểu đã có công văn gửi UBND TP Đà Nẵng xin chủ trương cho thực hiện thí điểm hệ thống điện NLMT áp mái tại trường THCS Đàm Quang Trung, với công suất 270kWp (614 tấm pin, mỗi tấm 440kWp), kết hợp đầu tư một trạm biến áp để đưa toàn bộ lượng điện thu được từ hệ thống lên lưới điện trung thế 22kV và bán toàn bộ sản lượng điện cho Điện lực Liên Chiểu. 

Cũng theo ông Nguyễn Nhường, việc thí điểm hệ thống NLMT áp mái tại Trường THCS Đàm Quang Trung sẽ thực hiện với hình thức kêu gọi nhà đầu tư tự bỏ kinh phí để đầu tư; đồng thời chi trả kinh phí thuê mái của nhà trường để lắp đặt hệ thống.

Thực tế, các dự án do DSED tài trợ cho thấy lợi ích tích cực từ hệ thống điện NLMT áp mái có ưu điểm, như sạch về sinh thái, không phát thải các loại khí độc hại gây ô nhiễm môi trường; không gây tiếng ồn… Đặc biệt, khi các tấm pin năng lượng được lắp trên mái nhà, hay công trình công cộng sẽ làm cách nhiệt, bảo vệ ngôi nhà, công trình không phải chịu sự tác động trực tiếp của nắng, mưa, gió, tia cực tím. 

Việc lắp đặt hệ thống điện NLMT áp mái cho các trường học còn nâng cao nhận thức cho học sinh về “môi trường xanh”, góp phần xây dựng Đà Nẵng thêm một “thương hiệu” mới: Thành phố vì môi trường!...

Tại đây


  • 20/07/2020 02:43
  • Nguồn: Báo Công An Nhân Dân
  • 1168