Đá ở biển Bắc có thể lưu trữ năng lượng tái tạo hiệu quả. Ảnh: renewableenergymagazine.com.
|
Một trong những vấn đề của các nguồn năng lượng tái tạo là tính không ổn định, như năng lượng mặt trời và năng lượng gió phụ thuộc lớn vào thời tiết. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể lưu trữ nguồn năng lượng này hiệu quả.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học của 2 trường ĐH ở Scotland là ĐH Edinburgh và Strathclyde đã khám phá ra tiềm năng lưu trữ năng lượng tái tạo của các khối đá xốp dưới đáy biển Bắc, khu vực ngoài khơi Vương quốc Anh.
Theo đó, năng lượng được tạo ra từ các nguồn tái tạo (như năng lượng gió, năng lượng thủy triều…) được nén lại bằng động cơ bơm khí. Tiếp theo, khí nén được đưa vào các lỗ sa thạch ở đáy biển Bắc bằng công nghệ tiên tiến và được lưu trữ ở đây dưới áp suất cao. Khi muốn dùng nguồn năng lượng này, khí nén được giải phóng, cung cấp năng lượng cho tuabin sản xuất điện.
Các nhà nghiên cứu đã áp dụng nhiều thuật toán cũng như khảo sát về sự hình thành địa chất biển Bắc để ước tính tiềm năng lưu trữ năng lượng. Phân tích cho thấy các khối đá ở dưới đáy biển Bắc, chỉ ở riêng khu vực ngoài khơi Vương quốc Anh có thể lưu trữ khối năng lượng đủ đáp ứng 1,5 lần nhu cầu điện năng trung bình của toàn Vương quốc Anh trong tháng 1 và tháng 2 (hai tháng sử dụng nhiều điện nhất năm do trời đông giá lạnh).
"Phương pháp này có thể giúp lưu trữ năng lượng tái tạo sản xuất ra trong mùa hè để phục vụ nhu cầu của mùa đông. Đó là một lựa chọn khả thi, dù hiện vẫn khá đắt đỏ, giúp đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng tái tạo của Vương quốc Anh được duy trì quanh năm. Chúng tôi đang tìm cách để cải tiến quy trình và giảm chi phí trong thời gian tới”, nhà địa chất học, TS. Julien Mouli-Castillo – giảng viên trường ĐH Edinburgh cho biết.
Ở Đức và Mỹ cũng đang sử dụng một hệ thống lưu trữ năng lượng có cách hoạt động tương tự, nhưng thay vì sa thạch dưới đáy biển, là khí nén trong các hầm khai thác muối.
Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí Nature Energy tháng 1/2019.