Việt Nam có tiềm năng lớn trong việc phát triển điện gió ngoài khơi. Ảnh minh họa. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Martin Hansen, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch cho rằng: “Hội thảo trực tuyến về điện gió ngoài khơi ở cấp cao là minh chứng cho mối quan hệ đối tác năng lượng tốt đẹp đã được hình thành giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch từ năm 2013. Tôi rất vui khi thấy sự hợp tác và các hoạt động trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi vẫn triển khai đúng tiến độ bất chấp đại dịch do vi-rút COVID-19 gây ra. Điện gió ngoài khơi của Việt Nam có tiềm năng dồi dào và có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam”.
Cũng tại hội thảo, hai bên đã nghe báo cáo đầu vào cho lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi, được xây dựng với sự hỗ trợ của Cục Năng lượng Đan Mạch, cung cấp các kết quả phân tích định lượng, đánh giá tiềm năng, phân khu và xếp hạng các khu vực gió ngoài khơi, tính toán chi phí giá và phân tích truyền tải, đấu nối.
Ngoài ra báo cáo cũng đề cập nhiều vấn đề như các quy định pháp lý, quy trình cấp phép, khả năng hình thành chuỗi cung ứng ở Việt Nam, cơ chế khuyến khích hỗ trợ và các yếu tố quan trọng khác trong việc hình thành ngành công nghiệp gió ngoài khơi ở Việt Nam.
Những số liệu sơ bộ đã chỉ ra rằng tiềm năng kỹ thuật gió ngoài khơi của Việt Nam là 160GW. Đây là con số khổng lồ nếu so sánh với 29GW điện gió ngoài khơi đã được lắp đặt trên toàn cầu tính đến cuối năm 2019. Ngay cả sau khi đã loại trừ các địa điểm không khả thi do xung đột với các mục đích sử dụng biển khác hoặc vì lý do tài chính, tiềm năng xây dựng điện gió ngoài khơi vẫn còn khá lớn. Nguồn tiềm năng dồi dào này hiện đang thu hút mối quan tâm lớn từ các nhà đầu tư quốc tế.
Chương trình Hợp tác Đối tác năng lượng giữa Việt Nam và Đan Mạch
- Được khởi động vào năm 2013 và tập trung vào lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, đây là giai đoạn đầu tiên của chương trình hợp tác.
- Giai đoạn hai của chương trình bắt đầu từ năm 2017 đến năm 2020, tập trung vào xây dựng năng lực cho các cơ quan của Việt Nam trong lĩnh vực quy hoạch năng lượng dài hạn, vận hành hệ thống điện có tích hợp năng lượng tái tạo với tỉ trọng cao, và chuyển đổi cácbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp.
- Giai đoạn ba của chương trình dự kiến bắt đầu từ cuối năm 2020 đến năm 2025 và sẽ tập trung vào phát triển điện gió ngoài khơi cho Việt Nam.
- Từ năm 2009 đến nay, Đan Mạch đã tài trợ cho Việt Nam hơn 60 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại chỉ riêng trong lĩnh vực năng lượng và biến đổi khí hậu.
|