Đất nông nghiệp ở Fukushima được chuyển đổi để sản xuất năng lượng tái tạo

Đất nông nghiệp ở Fukushima đã không được sử dụng sau thảm họa tan chảy lõi hạt nhân vào năm 2011 đang có cơ hội được tái sử dụng.

Một nhóm các nhà đầu tư Nhật Bản đã lên kế hoạch mới trong việc sử dụng vùng đất bị bỏ hoang để xây các nhà máy điện từ gió và năng lượng mặt trời, cung cấp điện năng cho thủ đô Tokyo.

Kế hoạch đang kêu gọi xây dựng 11 nhà máy năng lượng mặt trời và tám nhà máy điện gió, với chi phí ước tính khoảng 2,75 tỷ USD.

Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3 năm 2024 và nhóm các nhà đầu tư bao gồm cả Ngân hàng Phát triển Nhật Bản và Ngân hàng Mizuho hỗ trợ. Một thành viên của chính phủ Nhật Bản cũng xác nhận sẽ hỗ trợ 275 triệu USD cho dự án.

Theo báo cáo từ Nikkei, các nhà quy hoạch dự kiến ​​các nhà máy này sẽ tạo ra 600 megawatt điện, bằng khoảng 2/3 công suất một nhà máy điện hạt nhân.

Các nhà máy này sẽ liên kết với nhau bởi một lưới điện có chiều dài lên đến 80km và chí phí để xây dựng lưới điện này khoảng 266 triệu USD. Lưới điện sẽ được Công ty Điện lực Tokyo giám sát và sử dụng để truyền tải điện được sản xuất từ các nhà máy đến Tokyo.

Trong năm 2018, Nhật Bản sản xuất 83% năng lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch và điện hạt nhân. Đất nước này đặt mục tiêu chuyển đổi dần sang năng lượng tái tạo, hy vọng sẽ tạo ra từ 22% đến 24% năng lượng điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như gió và mặt trời vào năm 2030.

Sau bi kịch tan chảy lõi hạt nhân vào năm 2011, tỉnh Fukushima đã tích cực hơn trong việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo. Tháng 3 vừa qua, tỉnh này cũng thông báo mục tiêu của mình là cung cấp hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo vào năm 2040.

Link tin bài gốc


  • 15/11/2019 09:23
  • Nguồn: nhandan.com.vn
  • 1217