Chuyển dịch năng lượng: Từ thế giới đến Việt Nam

Những thành công về chuyển dịch năng lượng của một số nước trên thế giới sẽ là kinh nghiệm quý cho Việt Nam.

Nước Đức với chiến lược Energiewende

Ở CHLB Đức, bạn có thể bắt gặp những cánh đồng điện gió hay các cánh đồng quang điện với các module quang điện xếp thành hàng dài, chạy dọc sườn đồi. Ngoài ra, còn có những tấm pin quang điện được lắp đặt trên các mái nhà, kho bãi cho đến các cột đèn, biển báo giao thông... Tính đến 6 tháng đầu năm 2019, năng lượng tái tạo (NLTT) ở Đức chiếm 44% tổng sản lượng điện, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả chuyển dịch năng lượng của CHLB Đức, được thực hiện từ những năm 1980, khi làn sóng phản đối xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trở nên mạnh mẽ hơn sau thảm họa Chernobyl ở Ukraine. 

Quốc hội Đức đã yêu cầu đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, xây dựng và ban hành các chính sách phát triển năng lượng sạch, hệ thống cung cấp năng lượng tái tạo, đảm bảo đủ nguồn cung, không phụ thuộc nguồn nhiên liệu từ than đá. Nước Đức cũng chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng lưới điện, đảm bảo đủ năng lực truyền tải. Lưới điện của Đức không chỉ dựa vào một trục duy nhất mà theo nhiều nhánh khác nhau, vươn ra ngoài lãnh thổ, kết nối với các nước xung quanh như Bỉ, Hà Lan, Áo… Trong trường hợp cần thiết, hệ thống lưới điện giữa các nước có thể “ứng cứu”, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt, ở CHLB Đức, nguồn điện mặt trời (ĐMT) từ các nhà máy và hộ gia đình đủ sức tự cung, tự cấp. Vì vậy, dù tổng công suất nguồn lớn, nhưng không gây áp lực cho hệ thống lưới điện truyền tải.

Ảnh minh họa

Ấn  Độ - Phát triển ĐMT là mũi nhọn

Năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố mục tiêu đạt 100 GW năng lượng tái tạo vào năm 2022. Tuy nhiên, đến năm 2015, mục tiêu này đã nâng lên 175 GW. Để đạt được tham vọng này, Chính phủ Ấn Độ đã xây dựng và thông qua kế hoạch phát triển ĐMT tại 50 thành phố. Việc áp dụng linh hoạt chính sách trợ giá điện từ nguồn NLTT, khuyến khích cạnh tranh và miễn thuế cho các nhiên liệu sinh học... là động lực để phát triển thị trường điện từ NLTT.

Nguồn NLMT không chỉ giúp Ấn Độ thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch mà còn đảm bảo phát triển bền vững, môi trường không bị ô nhiễm. Hiện nay, Ấn Độ không chỉ là một trong 5 quốc gia hàng đầu thế giới về công suất điện từ NLTT mà còn là nhà sản xuất các thiết bị công nghệ NLTT, đủ sức cạnh tranh với Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. 

Kinh nghiệm cho Việt Nam

Thời gian qua, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong phát triển NLTT. Tính đến hết tháng 6/2019, công suất NLTT lên tới 4.500 MW. Việt Nam trở thành một trong những thị trường NLTT sôi động và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, quá trình phát triển “thần tốc” cũng đang đặt ra những thách thức lớn về phát triển đồng bộ hệ thống điện, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực…

Để việc chuyển dịch cơ cấu NLTT của Việt Nam đạt hiệu quả, theo ông Markus Steigenberger - Phó Giám đốc Agora Energiewende (Tổ chức nghiên cứu năng lượng tái tạo tại Đức), Việt Nam cần có chính sách tổng thể về phát triển nguồn năng lượng sạch, cơ chế trợ giá, những ưu đãi cho vay vốn đầu tư sao cho thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này. Đặc biệt, cần phát triển mạng lưới truyền tải điện, xây dựng kết cấu hạ tầng, duy trì đồng thời hệ thống điện truyền thống một cách linh hoạt và đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ lưu trữ pin, ắc quy. “Việc hoàn thiện quá trình chuyển dịch sang NLTT sẽ góp phần phát triển ngành Điện một cách ổn định, vững chắc, mang lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”, ông Steigenberger nhấn mạnh. 
 


  • 06/11/2019 10:05
  • Nguồn: TCĐL Chuyên đề Thế giới điện
  • 1708