Hội thảo Điện mặt trời tại hồ chứa thủy lợi

Sáng 23/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo Điện mặt trời tại hồ chứa thủy lợi. Tham dự Hội thảo có đại diện các bộ ngành, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thủy lợi, năng lượng.

Tại Việt Nam, dự án điện mặt trời sử dụng vùng đất bán ngập của hồ chứa Dầu Tiếng (Bình Dương) có công suất 420 MW và dự án điện mặt trời nổi trên hồ Đa Mi (Bình Thuận) công suất 47,5 MW là những dự án điện mặt trời đầu tiên khai thác diện tích đất và vùng mặt nước của hồ chứa để phát điện thương mại. 

Với khoảng hơn 6 nghìn hồ chứa thủy lợi trên toàn quốc, chủ trương phát triển điện mặt trời trên các hồ chứa là đúng đắn bởi năng lượng tái tạo hiện đang là xu thế phát triển dần thay thế các nguồn năng lượng truyền thống, mang lại nhiều lợi ích, giảm thiểu được những tác động về môi trường. 

Theo các chuyên gia, việc khai thác điện mặt trời tại hồ chứa thủy lợi sẽ có những lợi thế về mặt bằng, đất đai, đồng thời tạo thêm nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Đây cũng là mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phát triển ngành thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, đa nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu không chỉ của ngành mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội thảo, một số vấn đề của điện mặt trời nổi cũng đã được nêu ra như, loại hồ nào có thể làm được điện mặt trời, điện mặt trời nổi có ảnh hưởng như thế nào đến môi sinh, công nghệ nào áp dụng thì phù hợp... Đây là những vấn đề cần tập trung nghiên cứu trong thời gian tới, nhằm tận dụng triệt để nguồn tài nguyên mặt nước hồ chứa cho phát triển điện mặt trời.

 

 


  • 23/10/2019 04:45
  • Hưng Việt
  • 1390