Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa yêu cầu các đơn vị lấy mẫu và giám sát chất lượng môi trường trong thời gian hoạt động (số lượng mẫu, vị trí, thông số, tần suất giám sát được quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hay kế hoạch bảo vệ môi trường được cấp thẩm quyền phê duyệt). Lưu ý, đơn vị thuê lấy mẫu phân tích phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.
Đối với chất thải phát sinh từ các tấm pin mặt trời, yêu cầu nhà sản xuất pin mặt trời thực hiện đúng quy định pháp luật về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ; thu gom, lưu giữ, xử lý chất rắn, chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình thực hiện dự án; báo cáo quản lý chất thải rắn công nghiệp hàng năm trước ngày 31/1 của năm tiếp theo.
Đối với Công ty Cổ phần Điện mặt trời Sông Giang và Công ty Cổ phần Điện mặt trời KN Cam Lâm, đề nghị khẩn trương hoàn thiện Trạm quan trắc khí tượng tự động và truyền số liệu về Sở Tài nguyên Môi trường (trước ngày 23/10/2019).
Nằm ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Khánh Hòa có diện tích hơn 5.000 km2 (bao gồm cả các đảo và quần đảo). Khí hậu nhiệt đới ôn hòa với hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa mưa ngắn, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 12, tập trung chủ yếu vào tháng 10 và 11. Các tháng còn lại là mùa nắng, với tổng số giờ nắng trung bình lên tới 2.600 giờ/năm.
Nhiệt độ trung bình hàng năm của Khánh Hòa khoảng 26,7°C. Cường độ bức xạ mặt trời trung bình hơn 5 kWh/m2/ngày, đặc biệt là khu vực Cam Ranh, cường độ bức xạ mặt trời lên đến 5,34 kWh/m2/ngày - là khu vực thuận lợi nhất để phát triển điện mặt trời.
Theo Sở Công thương Khánh Hòa, trên địa bàn tỉnh có nhiều địa điểm có thể phát triển điện mặt trời, diện tích có thể đưa vào sản xuất điện mặt trời là hơn 7.500 ha, tổng công suất hơn 3.000 MW. Qua khảo sát, các địa phương có tiềm năng lớn để phát triển nguồn năng lượng này là Cam Ranh, Cam Lâm, Vạn Ninh…
Tính đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có 6 dự án điện mặt trời đi vào hoạt động, với tổng diện tích 273ha, tổng công suất 210MWp.