Bình Dương: Điện mặt trời phát huy hiệu quả tối đa với người nông dân trồng quýt

Ngôi nhà liền rẫy của ông Nguyễn Hữu Phước, ấp Gia Biện, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương nằm ven bờ sông Bé, điện lúc nào cũng đầy đủ, ổn định với đủ tiện nghi tủ lạnh, nồi cơm điện, máy bơm nước... Đó là nhờ có hệ thống điện mặt trời áp mái.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên với những tiện nghi đầy đủ trong nhà, ông cười xòa: “Các em không thấy đường dây điện dẫn xuôi từ trên đường cái lớn xuống đúng không. Tôi dùng điện năng lượng mặt trời đó, sướng lắm, vừa rẻ lại vừa sạch”.

Ông cho biết đây là rẫy của gia đình, trước kia vợ chồng ông thuê nhà ở trên đường cái lớn, còn rẫy thì nằm sâu hun hút dưới này. Vợ chồng ông cũng muốn ăn ở, sinh hoạt ngay tại rẫy để tiện đường làm ăn, trông nom, chăm sóc rẫy. Nhưng điện không có, kéo điện lưới quốc gia có khi cả cây số nên xuống đến nơi nguồn điện không đảm bảo để phục vụ cho các nhu cầu của gia đình, đặc biệt là nhu cầu tưới cho cây quýt khi vào mùa ra trái.

Ông Phước giới thiệu về hệ thống điện mặt trời áp mái của gia đình mình - Ảnh: Hoài Phương

“Trước đây tôi đã có ý định bán rẫy để về quê sinh sống, vì người một nơi rẫy một nơi khó có thể ổn định. Tình cờ một lần đi hội thảo, tôi được nghe về các dự án sử dụng điện mặt trời có thể phục vụ cho không chỉ sinh hoạt gia đình mà còn phục vụ cho sản xuất, tưới tiêu cho cây trồng. Qua tìm hiểu và tính toán, gia đình tôi cần hệ thống 14 tấm pin năng lượng mặt trời, tổng chi phí là 90 triệu đồng, thời gian bảo hành 10 năm và thời gian sử dụng đến hơn 20 năm, thời gian hoàn vốn chỉ từ 5 - 7 năm, nên tôi quyết định đầu tư hệ thống này”, ông cho biết.

Theo tính toán, 1 ha quýt của gia đình ông hiện nay nếu sử dụng máy bơm nước chạy dầu để tưới thì chi phí 1 năm hơn 50 triệu đồng, rồi còn mất thời gian canh chừng máy hết dầu. Không những vậy, việc chạy máy dầu chỉ phục vụ duy nhất việc tưới tiêu, còn mọi sinh hoạt đều không sử dụng được.

Hơn nữa, mô hình điện mặt trời còn góp phần bảo vệ môi trường. Ông chia sẻ, trước đây khi sử dụng máy bơm nước chạy dầu, mỗi năm sẽ thải ra môi trường một lượng khí thải khá khá từ khói của động cơ. Điện mặt trời rất thiết thực, phát huy hiệu quả tối đa đối với những khu vực vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa khó khăn chưa có điện lưới quốc gia như khu vực rẫy của gia đình ông.

Kể từ khi ông Phước đầu tư hệ thống điện mặt trời, chi phí cho 1 ha quýt của gia đình ông giảm chỉ còn một nửa so với trước, thời gian tưới cho cây cũng giảm còn một nửa. Điện trong gia đình ông sử dụng thoải mái, nguồn điện ổn định.


  • 25/09/2019 05:29
  • Hoài Phương
  • 1236