Dư nợ tín dụng cho năng lượng tái tạo tăng nhanh
Tại hội thảo “Tài chính xanh thúc đẩy năng lượng trong các ngành tại Việt Nam” do tổ chức Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam phối hợp Liên minh năng lượng bền vững (VSEA) và Nhóm công tác về biến đổi khí hậu (CCWG) phối hợp tổ chức vừa qua tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm đào tạo của Hiệp hội Ngân hàng cho biết, dư nợ tín dụng dành cho năng lượng tái tạo có tốc độ tăng trưởng nhanh, giữa năm 2018 đạt 123.000 tỷ đồng, nhưng chỉ trong 6 tháng của năm 2019 đã tăng lên 250.000 tỷ đồng và có xu hướng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Nhiều dự án điện mặt trời đã tiếp cận được những gói vay ưu đãi tài chính xanh từ các ngân hàng - Ảnh: Ng.Tuấn. |
Theo ông Marlon Joseph Apanada - Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư năng lượng sạch Philippines, với mức dư nợ tín dụng cho năng lượng tái tạo tăng nhanh như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp cận các nguồn vốn cho các dự án năng lượng tái tạo từ các nguồn tín dụng xanh này.
Ông Marlon Joseph Apanada cho biết, từ đầu năm 2019, chỉ tính riêng Ngân hàng Rizal Commercial Banking Corporation (RCBC) tại Philippines đã phát hành 15 tỷ Peso trái phiếu xanh và 8 tỷ Peso trái phiếu phát triển bền vững. Đây là những trái phiếu xanh có mệnh giá bằng đồng Peso đầu tiên tại Philippines và cũng là trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững đầu tiên được phát hành có tiêu chuẩn trái phiếu xanh của ASEAN, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp có cơ hội để tiếp cận các nguồn vốn cho các dự án năng lượng tái tạo.
Tiếp cận nguồn vốn xanh
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm đào tạo của Hiệp hội Ngân hàng, tín dụng xanh là vấn đề mới với ngành ngân hàng Việt Nam nên hiện tại các ngân hàng vẫn chưa phát triển mạnh nguồn tín dụng này. Đến nay, mới có khoảng 10 ngân hàng Việt Nam cấp tín dụng xanh cho các dự án năng lượng tái tạo và đa số là các dự án về điện mặt trời.
Hiện Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ tín dụng xanh đến năm 2020. Mới đây nhất, chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025 tầm nhìn năm 2030 đã nhận định vai trò hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) trong việc phát triển xanh, năng lượng tái tạo là rất quan trọng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết, nhu cầu tài chính xanh cho năng lượng tái tạo đến năm 2030 là trên 30 tỷ USD. Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đã đề rõ mục tiêu đến năm 2025, 60% các ngân hàng tiếp cận được các nguồn vốn xanh từ các tổ chức tài chính quốc tế và triển khai thực hiện cho vay tín dụng xanh.
Nhiều ngân hàng đang có những chính sách ưu đãi đối với các dự án năng lượng tái tạo đặc biệt là điện mặt trời áp mái - Ảnh: Ng.Tuấn. |
Ông Bùi Đức Minh - Phó Trưởng phòng Vốn tín dụng quốc tế (Ngân hàng Vietcombank-VCB) cho biết, tính đến hết năm 2018, tổng số vốn VCB đã giải ngân cho các dự án năng lượng là 26.929 tỷ đồng. Điều kiện vay tín dụng của VCB đối với một dự án trung dài hạn là: Năng lực tài chính của chủ đầu tư; kinh nghiệm triển khai dự án tương tự; tính khả thi của dự án cũng như cam kết trả nợ đúng hạn; có đủ tài sản bảo đảm theo quy định của VCB; dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định.
Ngoài 4 ngân hàng VCB, Vietinbank, Agribank, BIDV đã cấp tín dụng xanh cho các dự án trong năm 2018, các ngân hàng thương mại khác như OCB, SHB, HD Bank… cũng đang triển khai những gói vay ưu đãi tài chính xanh. Cụ thể, riêng HD Bank có dành 7.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và tính đến năm 2018 đã cấp 3.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng điện mặt trời.
Đại diện ngân hàng Sacombank cho biết, ngân hàng đang có chính sách ưu đãi đối với các dự án năng lượng tái tạo với lãi suất hấp dẫn, trong đó tập trung chủ yếu vào khách hàng cá nhân triển khai điện mặt trời áp mái. Ngân hàng cũng đang nghiên cứu cơ chế cho vay ưu đãi đối với DN sản xuất thương mại - dịch vụ có nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.