Châu Á đua nhau làm xe điện, "xanh hóa" giao thông

Các thành phố châu Á đang chuyển sang sử dụng các phương tiện chạy bằng điện nhằm giải quyết vấn đề về chất lượng không khí, cắt giảm khí thải cũng như mở rộng mạng lưới giao thông công cộng.

Trên thực tế, giao thông vận tải là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, và theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, lượng khí nhà kính sẽ tăng lên đáng kể tại khu vực châu Á vào năm 2030.

Ông Madan Regmi, thành viên thuộc Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (UNESCAP) cho biết, mặc dù chỉ có duy nhất bảy quốc gia châu Á đạt mục tiêu giảm phát thải giao thông theo Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, nhưng nhiều thành phố khác trong khu vực này cũng đang bắt tay hành động nhằm đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm môi trường.

Ông đã chia sẻ tại một sự kiện khí hậu ở UN rằng "Các nhà chức trách nhận ra rằng họ có thể mở rộng các tuyến tàu điện ngầm và chuyển đổi sang xe buýt chạy bằng điện. Điều này không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn giải quyết được vấn nạn tắc nghẽn giao thông cũng như cải thiện chất lượng không khí". Ông còn cho biết thêm các thành phố này cũng đang bổ sung thêm các cơ sở hạ tầng dành cho người đi bộ và đi xe đạp.

Theo một báo cáo chất lượng không khí do Greenpeace công bố năm nay, các thành phố châu Á chiếm phần lớn trong danh sách 100 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, trong đó phải kể đến Ấn Độ và Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề nan giải này, thành phố Thâm Quyến ở phía Đông Nam Trung Quốc đã sử dụng hơn 16.000 xe buýt chạy bằng điện kể từ năm ngoái. Thêm vào đó, chất lượng không khí tại thủ đô Bắc Kinh cũng được cải thiện đáng kể khi thành phố này chuyển sang sử dụng nhiều phương tiện chạy bằng năng lượng sạch hơn.

Trong khi đó Thái Lan lại đang thử nghiệm phà chạy bằng điện cho các kênh đào của Băng Cốc để thay thế phà chạy bằng động cơ diesel. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Giao thông Ấn Độ cũng đã kêu gọi các nhà sản xuất ô tô chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện vào năm 2030. Tại Philippines - một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi hiện tượng nóng lên toàn cầu, đang dần chuyển đổi các phương tiện giao thông sang xe jeepney chạy bằng năng lượng sạch hay những chiếc xe tải chở khách đầy màu sắc, phục vụ hàng ngàn người. Các thành phố như Manila và Tacloban cũng đã ủng hộ xe jeepney chạy bằng năng lượng mặt trời và bằng điện.

Mặc dù xe buýt chạy bằng điện có vẻ là một giải pháp hữu hiệu hiện nay nhưng chúng lại có chi phí cao hơn từ hai đến bốn lần so với xe buýt chạy bằng diesel thông thường và đòi hỏi cơ sở hạ tầng sạc rộng rãi. Do đó các quốc gia nghèo đã phải tìm các giải pháp phù hợp nền kinh tế của đất nước, đó là sử dụng các phương tiện sử dụng công nghệ diesel sạch để thay thế. Tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa của Pakistan, những chiếc xe buýt "màu hồng" dành cho phụ nữ đã được ra mắt gần đây dưới sự tài trợ của U.N.

Theo ông Mir Reza Ozgen, một quan chức của nước này cho biết, đây là những chiếc xe hybrid hoặc sử dụng công nghệ diesel sạch. Những chiếc xe buýt này được sử dụng để phục vụ cho hành khách là các sinh viên nữ và phụ nữ đi làm - những đối tượng có nguy cơ bị quấy rối trên phương tiện giao thông công cộng. Ông nhận định những chiếc xe buýt này sẽ có những tác động tích cực về lâu dài bởi chúng không chỉ làm giảm khí thải, mà còn giúp phụ nữ đi lại dễ dàng hơn, từ đó tăng khả năng tiếp cận các cơ hội kinh tế của họ.

Xu hướng “xanh hóa” các phương tiện giao thông tại các thành phố của châu Á đang đặt ra nhiều thách thức cho các nhà sản xuất ô tô tại châu lục này nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, đòi hỏi các hãng xe phải không ngừng đổi mới công nghệ nhằm đưa ra thị trường những dòng xe tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải, thân thiện với môi trường hơn.


  • 13/09/2019 11:03
  • Nguồn: vietnamnet.vn
  • 843