Bà Trần Thị Hoài Trâm - Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đối với chủ trương quy hoạch địa điểm phát triển điện mặt trời, thống nhất chủ trương đến năm 2020, tập trung khoanh vùng phát triển điện mặt trời trên địa bàn huyện Phong Điền, tại các khu vực không có khả năng phát triển các lĩnh vực khác (hoặc hiệu quả thấp); tránh khu vực đã có rừng trồng, khoanh vùng bảo vệ khoáng sản và định hướng phát triển các ngành nghề khác.
Ngoài ra, để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất và dự trữ quỹ đất cho các lĩnh vực khác, thống nhất chủ trương không phát triển các dự án đầu tư ĐMT trực tiếp sử dụng đất trong khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, do chưa có đánh giá cụ thể về tác động về môi trường và chất lượng nước khi phát triển ĐMT trên mặt nước các hồ nước đầu nguồn và đầm phá, nên tạm thời chưa xem xét chủ trương đầu tư dự án ĐMT trên mặt nước trên địa bàn tỉnh.
“Đối với các nhà đầu tư có nhu cầu nghiên cứu thì phải tiến hành song song nghiên cứu đánh giá tác động môi trường và phạm vi nghiên cứu phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch, đề án liên quan khác đang được nghiên cứu trong cùng khu vực tác động. Đối với dự án ĐMT trên mái nhà, ủng hộ chủ trương nghiên cứu phát triển điện mái nhà tại các khu công nghiệp; việc phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu vực đô thị cần xem xét kỹ phù hợp kiến trúc cảnh quan và các đánh giá tác động môi trường sống của cư dân trong khu vực đô thị. Yêu cầu các nhà đầu tư dự án ĐMT phải thành lập pháp nhân tại tỉnh để đảm bảo trách nhiệm đóng góp ngân sách địa phương, tham gia các hoạt động an sinh xã hội tại khu vực hoạt động của dự án và xử lý các vấn đề phát sinh về môi trường...”- bà Trâm thông tin.
Cũng theo bà Trâm, đến nay quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia chưa được phê duyệt, do đó sau khi quy hoạch quốc gia được phê duyệt, tỉnh sẽ tiến hành quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng việc phát triển điện mặt trời trên địa bàn tỉnh là vô cùng thiết thực và tất yếu. Lợi ích của các dự án là mang lại công ăn việc làm và tạo thu nhập cho nhân dân trong vùng, đóng góp ngân sách cho địa phương. Qua đó, góp phần giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho địa phương. Quan trọng hơn nữa là giải quyết vấn đề an ninh năng lượng quốc gia và góp phần giảm phát thải khí nhà kính...
Theo báo cáo của Sở Công Thương Thừa Thiên Huế, diện tích quy hoạch định hướng phát triển năng lượng mặt trời của tỉnh nằm chủ yếu trên địa bàn huyện Phong Điền với khoảng 275 ha (trong đó các xã Điền Hương, Điền Môn khoảng 95 ha; xã Phong Chương khoảng 40 ha; xã Phong Hiền khoảng 100 ha; xã Phong Hòa khoảng 40 ha).