Ninh Thuận hướng đến ‘Trung tâm năng lượng tái tạo’ của cả nước

Trong những năm gần đây, tỉnh Ninh Thuận đã tận dụng lợi thế về nguồn tài nguyên gió, mặt trời để thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của cả nước.

Gió thổi đều, bức xạ cao

Ninh Thuận là tỉnh cực Nam Trung bộ, với điều kiện khí hậu khô hạn, gió to và nắng nóng gay gắt nhất Việt Nam. Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên được xem là khắc nghiệt này lại là lợi thế lớn để phát triển năng lượng tái tạo.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 14 vùng gió tiềm năng với lượng gió thổi đều quanh năm, tốc độ gió trung bình ở độ cao 65 m đạt 7,25 m/giây; nguồn bức xạ mặt trời vào khoảng 1.800 kWh/m2/năm, đây là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả nguồn năng lượng gió, mặt trời.

Từ lợi thế này, trong thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã thu hút rất nhiều các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hiện là địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực này. Đối với điện gió, UBND tỉnh Ninh Thuận đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án với quy mô công suất 632,03 MW, tổng nguồn vốn đầu tư 25.855 tỷ đồng.

Đến nay có 3 dự án đã chính thức đưa vào vận hành thương mại, với tổng công suất 117 MW (gồm: Nhà máy Điện gió Đầm Nại, công suất 39,375 MW; Nhà máy Điện gió Mũi Dinh, công suất 37,6 MW và Nhà máy Điện gió Trung Nam công suất 105,75 MW, vận hành giai đoạn 1 công suất 39,95 MW).

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận cũng cấp quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện mặt trời, với tổng công suất 1.816,8 MW, tổng vốn đăng ký 45.717,8 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/6/2019 có 15 dự án, tổng quy mô công suất 1.063 MW đã chính thức đưa vào vận hành thương mại (COD). Tuy nhiên, việc giải phóng công suất cho 15 dự án đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo của các chủ đầu tư có đến 9/15 dự án phải thực hiện giảm phát 20-60% công suất (tùy theo thời điểm).

Dự kiến đến cuối năm 2019 tiếp tục có 5 dự án điện mặt trời công suất 190 MW đưa vào vận hành thương mại gồm: Nhà máy Điện mặt trời Hacom Solar (40 MW), Nhà máy điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao Sinenergy Ninh Thuận 1 (40 MW), Nhà máy Điện mặt trời Mỹ Sơn (50 MW), Nhà máy Điện mặt trời SP Infra 1 (40 MW), Nhà máy Điện mặt trời Bầu Zôn (20 MW). 11 dự án còn lại (công suất 564 MW) sẽ đưa vào vận hành trong năm 2020.

Đề án trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước

Điểm thuận lợi đối với Ninh Thuận là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế, xã hội tỉnh giai đoạn 2018-2023, trong đó chấp thuận chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương theo chủ trương của Chính phủ, trước mắt tỉnh Ninh Thuận đã tuyển chọn đơn vị tư vấn lập Đề án “Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”.

Theo đó, Đề án đưa ra các giải pháp như:

1/ Tối ưu hóa khai thác tiềm năng lợi thế năng lượng tái tạo.

2/ Hạ tầng truyền tải và phân phối.

3/ Chính sách thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng tái tạo.

4/ Xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng tái tạo theo chuẩn quốc tế.

5/ Xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển năng lượng tái tạo.

6/ Cơ chế kết nối các địa phương về năng lượng tái tạo.

7/ Cơ chế tài chính.

8/ Đào tạo nhân lực.

9/ Chuyển giao công nghệ.

Đề án triển khai trong thời gian 12 tháng. Sau khi hoàn thành, UBND tỉnh sẽ trình Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt thực hiện.


  • 16/09/2019 10:44
  • Nguồn: nangluongvietnam.vn
  • 1350