Sản xuất NLTT là nghĩa vụ
Nghĩa vụ khi tham gia sản xuất năng lượng tái tạo (Renewables Obligation, viết tắt: RO) là cơ chế chủ yếu của Chính phủ Anh trong việc hỗ trợ sản xuất điện từ NLTT. RO được áp dụng từ tháng 4/2002, với việc yêu cầu các nhà cung cấp điện ở Anh phải đóng góp được một tỉ lệ năng lượng tái tạo bắt buộc trong tổng sản lượng điện thương phẩm. Năm 2015, tỉ lệ này là 15,4%. Các công ty đạt được tỉ lệ năng lượng tái tạo như Chính phủ yêu cầu, sẽ được cấp Giấy chứng nhận nghĩa vụ năng lượng tái tạo (Renewables Obligation Certificate, ROC).
Nếu không đáp ứng được, họ phải trả tiền phạt (buy-out) 34,3 Bảng Anh cho mỗi MWh bị thiếu trong giai đoạn 2007-2008. Số tiền này được đưa vào Quỹ buy-out có tên Ofgem và hàng năm sẽ trích một phần kinh phí hỗ trợ các đơn vị đạt chứng nhận ROC. Ban đầu, ROC được cấp cho mỗi MWh điện tái tạo, không phụ thuộc vào công nghệ sử dụng. Nhưng sau này, các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến như sinh khối hay phân hủy yếm khí sẽ nhận được hỗ trợ nhiều hơn so với các dự án khí bãi rác.
Sự hình thành thị trường mua bán RO và Quỹ buy-out khiến việc sản xuất NLTT trở nên hấp dẫn đầu tư hơn. Các nhà sản xuất NLTT không chỉ thu được lợi nhuận từ việc bán năng lượng thông thường mà còn được hỗ trợ từ Quỹ buy-out và bán các ROC thừa so với định mức. Theo Sách trắng sửa đổi về nghĩa vụ NLTT công bố tháng 5/2007, chính sách RO sẽ được áp dụng tại Anh đến năm 2027.
Vương Quốc Anh hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu về phát triển NLTT
|
Kế hoạch hành động cụ thể
Tháng 4/2006, Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch hành động phát triển NLTT, trong đó, đáng chú ý là kế hoạch cấp vốn 5 năm cho các hệ thống nhiệt sinh khối và sinh khối kết hợp nhiệt và điện. Cũng trong năm này, Chính phủ Anh thông qua chương trình trợ giúp chi phí lắp đặt trạm cung cấp NLTT như: Hydrogen, điện, nhiên liệu sinh học, khí đốt tự nhiên/trạm sinh khối... Việc triển khai các dự án nhiên liệu sinh khối ở Anh cũng được Bộ Năng lượng và Biến đổi khí hậu cùng Quỹ National Lottery’s New Opportunities tài trợ vốn 66 triệu bảng Anh.
Bên cạnh đó, tất cả điện sản xuất tại Anh đều phải chịu thuế biến đổi khí hậu, chỉ riêng sản xuất điện có nguồn gốc tái tạo được miễn loại thuế này (khoảng 6,3 EUR/MWh). Từ năm 2007, Chính phủ Anh yêu cầu các nhà quản trị doanh nghiệp vận tải phải báo cáo với Chánh Văn phòng Quốc hội 3 tháng/lần về hiệu quả của các cơ chế môi trường, lượng carbon và tính bền vững. Chính phủ cũng xem xét tính minh bạch của các báo cáo này. Trong tháng 1/2007, nước này đã thành lập Cơ quan nhiên liệu tái tạo (RFA), hướng dẫn các công ty vận tải báo cáo về nhiên liệu, cung cấp thông tin chính thống về hiệu suất sản xuất các nhiên liệu sinh học trong danh mục đầu tư của họ. Các nhà cung cấp lớn được yêu cầu phải có một báo cáo độc lập bền vững hàng năm…
Ngày 23/5/2007, Chính phủ Anh đã công bố Sách trắng sửa đổi về năng lượng tại Hội nghị thách thức năng lượng. Theo đó, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách, cơ chế đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các nguồn NLTT tiếp tục tăng thị phần trong ngành năng lượng.
Việt Nam có thể áp dụng?
Vương quốc Anh đã tạo ra một môi trường hấp dẫn để phát triển và kinh doanh các nguồn NLTT. Cho đến nay, Chính phủ Anh vẫn không ngừng khuyến khích đầu tư thêm cho lĩnh vực này. Các chính sách về phát triển NLTT của Anh là kinh nghiệm quý giá cho các quốc gia trên thế giới, nhất là đối với các nước có tốc độ công nghiệp hoá nhanh, nhu cầu năng lượng lớn như Việt Nam.
Đơn cử như chính sách trợ cấp sản xuất NLTT của nước Anh. Trong giai đoạn hiện nay, do vốn đầu tư lớn, các nhà sản xuất NLTT tại Việt Nam cần được hỗ trợ giá để thời gian hoàn vốn nhanh, giảm lỗ ở những năm đầu dự án đi vào hoạt động. Nhưng khi NLTT đã phát triển giống như tại Anh, tương ứng với mục tiêu tỷ lệ đóng góp của sản lượng NLTT trên tổng sản lượng năng lượng quốc gia ngày càng cao, Chính phủ cần tác động nhiều hơn vào mức sản lượng, định hướng cho các nhà sản xuất xây dựng các nhà máy có công suất lớn.
Điều kiện hiện nay của Việt Nam cũng chưa cho phép đưa RO vào luật pháp mà mới chỉ dừng ở giai đoạn khuyến khích các dự án NLTT. Nhưng sớm muộn, chúng ta cũng cần áp dụng RO và quỹ buy-out vào thực tiễn. Điều đó góp phần làm giảm gánh nặng ngân sách trong việc hỗ trợ phát triển NLTT.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần có các quỹ tài trợ vốn cho các dự án NLTT. Nguồn vốn tài trợ cho các dự án NLTT hiện nay chủ yếu đến từ ADB, WB, hoặc do ngân sách nhà nước. Do vậy, cần đa dạng hóa sự hợp tác với các quỹ phát triển NLTT trên thế giới để tranh thủ nguồn vốn, đồng thời các chủ đầu tư cần sử dụng vốn hiệu quả, nếu không sẽ trở thành gánh nặng nợ rất khó hoàn trả.