Hiện nay trên thế giới không có nguồn năng lượng nào đạt mức tăng trưởng nhanh như điện mặt trời. Chỉ riêng năm ngoái tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mới lên đến 102 Gigawatt (GW). Một trong những nguyên nhân giải thích cho sự phát triển nhanh chóng này trên toàn cầu là vì nguồn năng lượng tái tạo này vốn bị coi là đắt nhất thế giới nay trở nên rẻ hơn nhiều và dễ dàng triển khai lắp đặt.
Ví dụ như ở Abu Dhabi, thủ đô Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, công viên điện mặt trời lớn nhất thế giới ở Noor Abu Dhabi với trên 3,2 triệu tấm module, có giá thành 2,4 US Cent/ kWh. Trong khi đó ở Đức giá 1 kWh điện mặt trời khoảng từ 4-5 US Cent. Tuy nhiên các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu các hệ thống năng lượng mặt trời Fraunhofer (ISE) dự đoán giá thành sẽ còn giảm trong những năm tới, đến khoảng năm 2040 giá thành 1 kWh tại các công viên điện mặt trời cỡ lớn sẽ thấp hơn 1 US Cent.
Ngày càng có nhiều sáng chế phát minh để đa dạng hóa các hình thức khai thác dạng năng lượng giá rẻ này. Trong đó, một xu hướng mới, được dự đoán là sẽ ngày càng phổ biến là nhà máy điện mặt trời nổi (Floating Solar).
Ý tưởng về những nhà máy điện mặt trời nổi đã có từ lâu. Nhưng mấy năm gần đây loại nhà máy điện mặt trời nổi này phát triển rất nhanh, đặc biệt ở vùng Đông Nam Á. Nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới hiện nay ở Trung Quốc, tại một khu mỏ lộ thiên đã ngừng hoạt động và đang trữ nước mưa người ta đã xây dựng nhà máy điện nổi với trên 165.000 tấm pin mặt trời, có tổng công suất là 40 MW.
Ưu điểm của nhà máy điện mặt trời nổi là tăng được hiệu quả hoạt động, bởi vì các tấm pin quang điên tuy “ưa” ánh nắng mặt trời nhưng không “ưa” nhiệt. Do nhà máy điện nổi trên mặt nước nên nhiệt độ mát hơn và năng suất tăng. Để các tấm pin này không bị chìm xuống nước và không bị trôi dạt vào bờ, người ta lắp chúng trên các container nổi và cố định bằng cáp không gỉ.
Ở châu Âu cũng xuất hiện ngày càng nhiều các nhà máy điện mặt trời nổi trên mặt nước. Các doanh nghiệp Hà Lan đang thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng này. Trong khi đó, ở Đức loại nhà máy này cũng ngày được quan tâm nhiều hơn. Các chuyên gia tin rằng, trong tương lai ở Đức cũng sẽ xuất hiện ngày càng nhiều các nhà máy điện mặt trời nổi, khả năng lớn là đặt tại các vùng mỏ than nâu hoặc các mỏ đá đã ngừng khai thác và ngày nay thành hồ chứa nước rộng mênh mông. Ngoài ra cuộc chạy đua xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi trên biển cũng đã bắt đầu.