Đâu là hướng phát triển cho công trình xanh?

Khái niệm công trình xanh đang được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đây. Công trình xanh không chỉ có lợi cho môi trường, cho chính người sử dụng mà còn đem lại lợi ích kinh tế cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên hiện nay, các chủ đầu tư vẫn chưa mặn mà với công trình. Tại sao lại như vậy?

Chưa nhìn ra lợi ích của công trình xanh

Xây dựng dự án theo tiêu chuẩn công trình xanh, một trong những mục tiêu của các chủ đầu tư là tiết kiệm chi phí vận hành về lâu dài, tuy nhiên, hiện nay, không nhiều chủ đầu tư dự có được cách nhìn đúng đắn như vậy. Nhận thức sai lầm về chi phí gia tăng của công trình xanh lên đến vài chục phần trăm so với công trình thông thường khiến các chủ đầu tư đều "né" xây dựng theo công trình xanh.

Ông Đinh Công Phúc, Quản lý dự án Vietinbank Bank Tower tại Hà Nội cho biết: Những lợi ích cụ thể cần phải có một đội ngũ tư vấn về công trình xanh giải thích rõ ràng cho chủ đầu tư. Trong khi đó, đội ngũ tư vấn về công trình xanh tại Việt Nam còn rất mỏng. Theo tôi, trong thời gian tới cần bổ sung đội ngũ tư vấn, trang bị thêm kiến thức về công trình xanh cho chủ đầu tư. Như vậy sẽ giúp cho chủ đầu tư có cái nhìn tốt hơn, đầy đủ hơn về công trình xanh.

Số lượng công trình xanh "mỏng"

Theo đánh giá tổng quan của hệ thống mạng lưới công trình xanh châu Á - Thái Bình Dương, con số công trình xanh tại Việt Nam đang ở mức khá khiêm tốn.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, hiện chỉ có 1 công trình có chứng nhận LEED (hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về kiến trúc xanh của Mỹ), 2 công trình có chứng nhận Green Mark (chứng nhận của Singapore) và 2 công trình được trao chứng chỉ quốc tế EDGE (chứng nhận của Tập đoàn tài chính IFC, thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới).

Theo đánh giá tổng quan của hệ thống mạng lưới công trình xanh châu Á - Thái Bình Dương, con số công trình xanh tại Việt Nam đang ở mức khá khiêm tốn. Ảnh minh họa

 

Còn tại Hà Nội, trong năm 2014, dự án Thăng Long Number One đã trở thành công trình xanh đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận. Công trình là sự kết hợp hài hòa giữa các hạng mục xây dựng với cảnh quan thiên nhiên. Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quyết định cho “tòa nhà xanh” phải là vật liệu được ứng dụng trong công trình Thăng Long Number One. Chủ đầu tư - Tổng công ty Viglacera đã dùng toàn bộ dòng sản phẩm cao cấp, đồng bộ, thân thiện nhất với môi trường, giúp giảm lượng tiêu thụ năng lượng tối đa và bảo vệ sức khỏe con người khi dự án hoàn thiện.

Đâu là hướng đi mới?

Khi nói về chi phí của công trình xanh phải nghĩ đến 2 yếu tố: Giá phụ trội trong khi đầu tư xây dựng, ngoài ra phải nghĩ đến những lợi ích xa hơn về chi phí, lợi ích về sức khỏe trong suốt quá trình vận hành công trình. Như vậy, các chủ đầu tư cần nhìn nhận về chi phí trong cả một vòng đời vận hành của tòa nhà chứ không nên chỉ nhìn vào mỗi chi phí đầu tư xây dựng.

Thực tế, theo các chuyên gia, chi phí đầu tư vào công trình xanh chỉ cao hơn chi phí cho công trình thông thường ở các khoản đầu tư ban đầu. Theo thống kê của hội đồng công trình xanh thế giới, mức chênh lệch này chỉ nằm ở 0,4 - 7 %. Xét về lâu dài, công trình xanh sẽ giải được bài toán về kinh tế khi nó được thiết kế để sử dụng hiệu quả nhất các nguồn tài nguyên, tiết kiệm năng lượng trong suốt quá trình vận hành.

Ông Đào Tiến Phong, Công ty cổ phần Quản lý và khai thác tòa nhà VNPT chia sẻ: Áp dụng mô hình quản lý về công trình xanh vào tòa nhà đã giúp ích cho nhà đầu tư, nhà vận hành tiết kiệm được chi phí trong khi vận hành và quản lý. Thực tế, tòa nhà VNPT đang áp dụng hệ thống quản lý tòa nhà thông minh IBMS để quản lý tòa nhà, điện, thang máy và hệ thống chiếu sáng. Hệ thống giúp tiết kiệm chi phí khoảng 70 triệu đồng/ tháng.

Theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng: Để xây dựng công trình xanh với chi phí hợp lý, có lẽ cần xây dựng một khái niệm các giải pháp cụ thể. Giải pháp chính là cần xác định khái niệm “Công trình xanh” ngay từ giai đoạn đầu và lựa chọn một đội ngũ chuyên gia đa ngành nhiều giải pháp, sau đó đưa ra được một “giải pháp” mà dự án có thể sử dụng được như giải pháp về quy hoạch. Giải pháp mái xanh, hay sử dụng thủ pháp chắn nắng mặt đứng công trình, hay giải pháp dùng tấm pin mặt trời trên mái, trên mặt đứng để tạo năng lượng sử dụng cho tòa nhà hay là tất cả các giải pháp đó tích hợp lại.

Có một thực tế là càng lựa chọn tích hợp thì đầu tư càng lớn và mức độ công trình càng xanh, như thế có nghĩa là người ta sẽ lựa chọn cho mình giải pháp chi phí nào phù hợp nhất cho công trình của mình.

Trong quá trình thực hiện dự án, chi phí thành phần lớn nhất chính là chi phí tư vấn hoặc quản lý dự án. Để đạt được một công trình xây dựng xanh với chi phí hợp lý mà có hiệu quả cao phải có sự hợp tác hiệu quả giữa khách hàng, kiến trúc sư, kỹ sư, nhà thầu, thiết kế, xây dựng… Như vậy, có thể thấy ý tưởng công trình xanh ngay từ giai đoạn đầu chính là chìa khóa thiết kế tốt nhất mà chi phí thấp nhất. Bài toán giá lúc này hoàn toàn có thể giải quyết.

 


  • 27/01/2015 03:49
  • Vương Thủy (tổng hợp từ: kientruc.com.vn, sggp.org.vn)
  • 1977