Với diện tích rộng gần 6 ha, được thiết kế dành cho 10.000 nhân viên sản xuất phần mềm trong hai năm tới, tòa nhà văn phòng FPT Complex Đà Nẵng có thiết kế xuất sắc với các giải pháp tiết kiệm tài nguyên. Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp xử lý nước thải và thu hồi nước mưa; điều hòa và chiếu sáng hiệu suất cao.
Theo đánh giá của Công ty Tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), FPT Complex Đà Nẵng giảm mức tiêu thụ năng lượng xấp xỉ 21%, mức tiêu thụ nước gần 32% và năng lượng dùng để sản xuất vật liệu trên 20%.
Ông Bùi Thiện Cảnh, Tổng giám đốc CTCP Đô thị FPT Đà Nẵng (FPT City) cho biết, với thiết kế giảm thiểu việc sử dụng năng lượng, thân thiện với môi trường, FPT Complex Đà Nẵng vừa nhận được chứng chỉ EDGE. Đây là chứng chỉ do IFC trao cho FPT City và CTCP Đầu tư Nam Long - hai DN đầu tiên nhận được chứng chỉ EDGE cho thiết kế công trình tại Việt Nam.
|
Dự án FPT Complex Đà Nẵng trong tương lai. |
Ông Cảnh khẳng định, các giải pháp thiết kế công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả là kết quả đến từ định hướng chiến lược của FPT City đối với việc thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành xây dựng, qua đó cải thiện các điều kiện môi trường tại khu vực đô thị.
Cùng đó, CTCP Đầu tư Nam Long đã thành công trong việc áp dụng các giải pháp năng lượng hiệu quả cho chung cư Bridge View. Dự án này đã khẳng định được uy tín DN trên thị trường bất động sản, với những căn hộ chất lượng dành cho người có thu nhập thấp và trung bình. Công trình được thiết kế với các giải pháp năng lượng hiệu quả như sử dụng vật liệu ít tiêu tốn năng lượng cho lớp vỏ công trình, hệ thống đèn hiệu suất cao và vòi tiết kiệm nước… Theo đó, công trình sẽ đạt mức tiết kiệm trên 20% đối với năng lượng, gần 22% đối với nước và xấp xỉ 27% đối với vật liệu xây dựng.
Bà Wendy Werner, Giám đốc phụ trách thương mại và cạnh tranh khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Nhóm WB cho biết, chứng chỉ EDGE của IFC là một hệ thống đánh giá công trình sử dụng tài nguyên hiệu quả, giúp tiết kiệm năng lượng, nước và năng lượng dùng để sản xuất vật liệu xây dựng công trình, qua đó giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Hệ thống chứng chỉ EDGE được thiết kế cho các thị trường mới nổi, giúp đưa ra các giải pháp thiết kế kỹ thuật hiệu quả cho công trình với những tính toán chi phí đầu tư và mức tiết kiệm tương ứng để chủ đầu tư lựa chọn mức độ xanh của công trình. Đây chính là minh chứng về hiệu quả kinh tế của các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, khi mà các yếu tố tài chính và môi trường có thể song hành cùng nhau.
Bà Wendy Werner khẳng định, để có được chứng chỉ EDGE dựa trên thiết kế công trình, các chủ đầu tư phải chứng minh công trình có tiềm năng giảm mức tiêu thụ năng lượng, nước và năng lượng dùng để sản xuất vật liệu ít nhất 20% so với một công trình điển hình, thông qua sử dụng công cụ EDGE để đánh giá.
Còn theo ông Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng, cùng với việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2013/BXD), Bộ Xây dựng khuyến khích các nhà đầu tư, các nhà thầu và tư vấn xây dựng hướng tới việc xây dựng các công trình thân thiện hơn với môi trường, thông qua thiết kế theo các tiêu chuẩn công trình xanh tự nguyện từ các tổ chức có uy tín, như hệ thống chứng chỉ EDGE…
Xu hướng đầu tư phát triển bất động sản theo hướng thân thiện với môi trường và lựa chọn các giải pháp “xanh” cho công trình chắc chắn sẽ giúp các chủ đầu tư giảm chi phí đáng kể trong việc sử dụng tài nguyên, đồng thời giảm phát hiệu ứng nhà kính cho cộng đồng.
Đây là giải pháp hữu hiệu, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc khuyến khích sử dụng tài nguyên hiệu quả trong thiết kế công trình, không chỉ cho nhà ở mà còn cho khách sạn, trung tâm thương mại, bệnh viện và văn phòng… Do đó, các DN, các nhà đầu tư nên phát triển theo hướng này nhằm mang lại hiệu quả cao hơn trong đầu tư xây dựng các công trình, ông Hòa nhấn mạnh.