Tiết kiệm năng lượng: Bắt buộc và ưu đãi

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, sáng lập viên Công ty GreenViet cho rằng, tiết kiệm năng lượng là một tiêu chí cực kỳ quan trọng trong bất kỳ tiêu chuẩn công trình xanh nào.

Đối với những công trình không theo đuổi các chứng nhận công trình xanh, thì việc đảm bảo các công trình đó tiết kiệm năng lượng đã rất tốt so với các thiết kế bình thường. Đặc biệt, các chính sách gần đây của Nhà nước đã đưa yêu cầu tiết kiệm năng lượng vào trong công trình, đồng thời bắt đầu có chương trình ưu đãi nhằm khuyến khích thực hiện tiết kiệm năng lượng .

Bất kỳ một công trình xanh nào cũng phải tuân thủ 5 nhóm yêu cầu chính: Tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, sử dụng vật liệu bền vững, đảm bảo chất lượng không khí trong nhà và cuối cùng là địa điểm bền vững. Các chứng nhận công trình xanh khác nhau có các mức độ yêu cầu cho từng hạng mục khác nhau, nhưng tiết kiệm năng lượng thì chắc chắn là một tiêu chí quan trọng.

Cả 3 chứng nhận công trình xanh phổ biến tại Việt Nam hiện nay bao gồm Leed, Lotus & Green Mark đều đặt yêu cầu cao cho nhóm tiết kiệm năng lượng. Thậm chí, các tổ chức sẽ không cấp chứng nhận cho công trình không đạt mức tiết kiệm năng lượng tối thiểu cho dù công trình đó được đầu tư nhiều vào các nhóm tiêu chí khác.

Năm 2013, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả, gọi tắt là QCXD 09:2013/BXD. Quy chuẩn này quy định những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc phải tuân thủ khi thiết kế, xây mới hoặc cải tạo các công trình dân dụng có tổng diện tích sàn từ 2.500 m2 trở lên. Để vượt qua những yêu cầu này, phần lớp vỏ của tòa nhà cùng hệ thống cơ điện phải được thiết kế hợp lý, đồng bộ ngay từ đầu. Quy chuẩn này có những quy định cụ thể cho từng hạng mục.

Hiện có 3 chứng nhận công trình xanh ở Việt Nam: Lotus, Leed, Green Mark. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc áp dụng quy chuẩn này vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các đơn vị tư vấn thiết kế, cũng như các chuyên viên tại các sở, ban, ngành vẫn chưa quen với các yêu cầu của quy chuẩn này. Trong thời gian qua, hàng loạt hội thảo được tổ chức hướng đến đối tượng là chuyên viên của các sở xây dựng nhằm làm rõ các quy định chuyên sâu về kỹ thuật. Thực tế, một quy chuẩn tương tự đã được ban hành vào năm 2005, nhưng việc thực thi quy chuẩn này không như mong muốn. Theo ông Đỗ Hữu Nhật Quang, lý do có thể là các quy định trong quy chuẩn này vẫn còn quá cao so với mặt bằng chung của ngành xây dựng nước ta tại thời điểm đó.

Rất may là, sắp tới, sẽ có một chương trình ưu đãi do IFC - một công ty thành viên của Ngân hàng Thế giới tài trợ. Chương trình này với tên gọi là Thiết kế hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, gọi tắt là EDGE (Excellence in Great Design and Efficiency). Công cụ này có 3 nhóm tiêu chí là tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước và sử dụng vật liệu bền vững. Các ưu đãi cụ thể cho công trình đạt chuẩn này sẽ được công bố trong thời gian sắp tới. Các chủ đầu tư muốn áp dụng chương trình này phải nộp các hồ sơ công trình cho Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) để được xem xét và chứng nhận. Sau đó, chủ đầu tư có thể tiếp cận các ngân hàng được chỉ định để xúc tiến các ưu đãi này. Đây là chương trình ưu đãi rất được mong đợi, nhằm mang lại cú hích cần thiết cho công trình bền vững phát triển tại Việt Nam.

Cho dù có quy chuẩn bắt buộc hay chương trình ưu đãi hay không, các chủ đầu tư cũng nên đặt yêu cầu tiết kiệm năng lượng lên hàng đầu khi xây mới, hoặc cải tạo công trình vì giá điện có xu hướng ngày càng tăng. Một tòa nhà sử dụng ít năng lượng, thì sẽ giảm được chi phí vận hành. Quan trọng hơn, khi giá điện tăng, các tòa nhà hoặc nhà máy sử dụng năng lượng không hiệu quả sẽ phải chịu nhiều rủi ro về chi phí vận hành, dẫn đến giảm khả năng cạnh tranh so với đối thủ.

Điều quan trọng là, thiết kế và xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng không quá khó, cũng như không tốn kém như quan điểm của nhiều người. Có 2 nhóm giải pháp chính để thiết kế công trình tiết kiệm năng lượng là thiết kế thụ động và thiết kế chủ động. Trong khi thiết kế thụ động xoáy sâu vào việc tối ưu hóa hướng công trình và kết cấu lớp vỏ, thì nhóm thiết kế chủ động tập trung vào hệ thống và thiết bị cơ điện hiệu suất cao.

Cần lưu ý là, các giải pháp thụ động bao giờ cũng hiệu quả hơn các giải pháp chủ động về mặt đầu tư, cũng như khía cạnh môi trường. Trong đó, năng lực của đơn vị tư vấn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chủ đầu tư có một công trình sử dụng năng lượng hiệu quả với chi phí đầu tư hợp lý.

Cuối cùng, thiết kế và xây dựng công trình hiệu quả về năng lượng luôn là sự lựa chọn khôn ngoan của các chủ đầu tư tại thời điểm hiện nay. Nhiều yếu tố vĩ mô và vi mô cũng đang ủng hộ cho sự lựa chọn này. Các đơn vị thiết kế có thể dùng các phần mềm mô phỏng năng lượng để tối ưu hóa năng lượng tiết kiệm được so với chi phí đầu tư ban đầu. Các nhà sản xuất như BlueScope không tăng giá bán đối với các sản phẩm có chỉ số phản xạ năng lượng mặt trời (SRI) cao. Còn chần chờ gì nữa để bắt tay vào xây dựng các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả?

Nếu không chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội.

 


  • 27/11/2014 02:13
  • Nguồn tin và ảnh: Báo Đầu tư
  • 1564