Sự kiện nhằm giúp giới trẻ - những người chủ nhân tương lại của đất nước - tìm hiểu các cam kết và hành động về khí hậu và năng lượng trên thế giới, các sáng kiến và sự lựa chọn nguồn năng lượng cho tương lai.
Các khách mời tại sự kiện "Hãy cho tôi một chiếc quạt" - ảnh: Hải Yến
|
Liên minh Châu Âu vừa cam kết cắt giảm 40% lượng khí nhà kính vào năm 2030 so với mức phát thải năm 1990, trong đó nước Đức đặt mục tiêu 30% năng lượng có nguồn gốc tái tạo. Trong khu vực, Philippin hướng tới tỉ lệ 50% năng lượng có nguồn gốc tái tạo vào năm 2030.
Còn Việt Nam thì sao? Liệu chiếc quạt gió, tấm pin năng lượng mặt trời có phải là một điểm tựa cho phát triển của Việt Nam? Đó là câu hỏi cũng là chủ đề chính của sự kiện.
Tham gia sự kiện, các bạn trẻ đã được tham quan triễn lãm các sáng kiến năng lượng của giới trẻ và cộng đồng trên cả nước như: Bộ lịch tiết kiệm năng lượng của Nguyễn Văn Lâm - Sinh viên Trường Đại học Điện lực; Hệ thống biogas từ thức ăn thừa và trồng rau sạch bằng bã thải biogas của nhóm sinh viên Trường Đại học Sư phạm kĩ thuật TPHCM; Chai mặt trời cải tiến của nhóm 350.org Việt Nam…
Đặc biệt, trong phần đối thoại với các vị khách mời bao gồm: Ông Phạm Trọng Thực - Vụ trưởng Vụ năng lượng mới và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương); Bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc GreenID Việt Nam; ông Đỗ Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Schneider Electric Việt Nam; chị Đặng Huỳnh Mai Anh - Giải 3 cuộc thi Go green in the city 2014, các bạn trẻ đã thể hiện sự quan tâm, hiểu biết của mình về vấn đề năng lượng, năng lượng tái tạo. Các câu hỏi liên tục được đặt ra xoay vấn đề phát triển năng lượng trong tương lai như: Liệu chính sách giá điện thấp có còn phù hợp? Nhà nước có chính sách gì gỡ khó nhằm phát triển năng lượng tái tạo; lộ trình chuyển đổi xăng sinh học…
Bà Khanh chia sẻ, có thể thấy giới trẻ ngày nay đã rất quan tâm đến vấn đề năng lượng. Họ đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp, nhiều sáng kiến nhằm phát triển năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo… Tuy nhiên, để thu hút đông đảo cộng đồng và giới trẻ quan tâm đến vấn đề phát triển năng lượng bền vững hơn nữa, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, biến những nhận thức, những ý tưởng của giới trẻ thành hành động thực tiễn.