Sức quyến rũ của thùng rác 4 ngăn
Vì danh mục chi tiết về rác chẳng hề ngắn nên việc thuộc bài học bỏ rác và luyện được kỹ năng bỏ rác thành thục - cũng cần ít thời gian ghi nhớ và luyện tập.
Có kha khá điều cần nhớ: Thùng màu nâu và màu xám đựng thức ăn thừa, thùng màu xanh nước biển đựng giấy - carton, thùng màu vàng bỏ đồ nhựa, thùng màu đen chứa các loại rác còn lại. Với thùng dành riêng cho chai lọ, cần phân biệt ngăn nào dành cho chai lọ thủy tinh màu trắng và màu xanh lá cây; ngăn nào dành cho các loại chai lọ có các màu còn lại. Chưa hết, quy định ý nghĩa màu sắc thùng rác có thể khác nhau theo từng vùng ở Đức.
Điều đó có nghĩa nếu bạn đến vùng khác và cần bỏ rác thì không thể cứ quen tay vứt mà không “ghé mắt” trông xem rác đã thật đến đúng chỗ chưa.
|
Dàn máy thu gom vỏ chai tại một siêu thị ở Đức. Khách hàng mang vỏ chai (loại có ký hiệu được thu gom) cho vào máy và nhận được số tiền tương ứng. |
Tại nhiều nơi công cộng, nhất là sân bay, hệ thống thùng rác kiên cố 4 ngăn thường được lắp đặt - tương ứng với thủy tinh, các loại bao bì, giấy, những loại rác khác.
Một số thành phố của Đức có khu phân loại rác rất lớn, đảm bảo phân loại từ cái nút chai rượu làm bằng gỗ sồi đến cái dàn máy vi tính hỏng. Người dân cứ lái ô tô đến nơi này rồi tay xách nách mang “lượn” một vòng để “rải” từng loại rác vào đúng nơi chúng cần đến.
Trái đất này là vay mượn thế hệ sau
Quay lại chuyện phân loại rác tại nhà riêng, thông thường cần tối thiểu 5 thùng rác, tương ứng đựng giấy, nhựa, sắt, thức ăn thừa, túi ni lông.
Pin đã dùng phải gom lại rồi mang đến siêu thị cho vào thùng dành riêng cho chúng. Với dầu ăn thừa khi nấu nướng, một người bạn Đức “bày” chúng tôi dùng giấy ăn thấm hết dầu rồi bỏ giấy vào thùng rác tương ứng, hạn chế tối đa đổ dầu ăn vào bồn rửa chén (với các quán ăn, dầu ăn thừa phải được đựng riêng một thùng).
Một ngày nọ, người vệ sinh khu vực nhà bếp chung đã bỏ công đi gõ cửa từng phòng, nghiêm nghị thông báo việc có ai đó đã bỏ rác sai thùng. Cũng cần nói thêm là nhân viên này không có trách nhiệm đổ rác, bà chỉ quan tâm chuyện rác nên mở từng thùng kiểm tra rồi phát hiện… sự cố.
Có lẽ thấy việc gõ cửa nhắc nhở có thể bỏ sót vài người vắng nhà nên bà cẩn thận viết lời nhắc nhở to đùng lên tờ giấy khổ lớn rồi đặt tờ giấy trên bàn ăn giữa nhà bếp.
Quanh chuyện phân loại rác tại Đức, một câu hỏi có thể nảy sinh: nếu không phân loại rác thì đã sao? Câu trả lời là: không chóng thì chày cũng gặp rắc rối!
Rắc rối trước mắt là nếu có ai tình cờ phát hiện thì bạn sẽ bị nhìn bằng ánh mắt… kỳ lạ, thậm chí bị nhắc nhở ngay. Tiếp theo là có thể rác sẽ bị… từ chối thu gom, kèm tờ giấy giải thích rằng vì đã không phân loại rác đúng cách. Muốn rác được thu, thân chủ phải đưa số rác “đi lạc” về đúng vị trí.
Rõ ràng, chuyện rác chẳng hề nhỏ. Muốn cộng đồng ngừng “ném rác vào tương lai”, cái cần hơn cả tuyên truyền - vận động có lẽ là một hệ thống xử lý rác, phân loại rác hoàn chỉnh, hiện đại, chặt chẽ - mà ở đó lợi ích cá nhân hiển thị cụ thể và lồng chặt vào lợi ích của cộng đồng.
Bởi “Chúng ta không thừa kế Trái đất từ tổ tiên mà vay mượn nó từ thế hệ tương lai” (ngạn ngữ), nên chúng ta phải trả lại, ít nhất là đủ vốn, tốt hơn là có thêm phần lời.
Đổi vỏ chai lấy tiền
Khi tôi hỏi xin vỏ chai nhựa ở một người bạn, bạn nói ngay: “Đợi tôi tìm xem trong phòng có cái chai nào không đổi lại được tiền không. Nếu có, tôi sẽ cho bạn”.
Cô ấy đang nhắc đến loại chai nhựa có ký hiệu riêng, dùng để đổi lấy tiền tại máy đặt ở các siêu thị.
Tùy loại chai mà có thể đổi vỏ lấy 15 cent (khoảng 4.000 đồng) hay 25 cent (khoảng 6.600 đồng). Vỏ chai bia thường đổi được 7 cent/vỏ (khoảng 1.800 đồng).
Hệ thống thu gom vỏ chai này rõ ràng có tác dụng đáng kể trong việc giảm lượng vỏ chai thải ra môi trường. Nếu có ý để lại vỏ chai có thể đổi lấy tiền cho những người nghèo đi nhặt vỏ chai, nhiều người thường xếp vỏ chai ngay ngắn… cạnh thùng rác hay đặt trên thùng rác.
|
|