Vì sao 50% trung tâm TKNL chỉ làm công tác tuyên truyền?

Tại hội nghị tiết kiệm năng lượng toàn quốc lần thứ VII diễn ra tại Tiền Giang mới đây, ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, có đến 50% các trung tâm hiện chỉ thực hiện chức năng tuyên truyền. Vì sao lại có tình trạng này?

Yếu chuyên môn, thiếu kinh phí

Theo ông Trịnh Quốc Vũ, cả nước hiện có hơn 10 trung tâm tiết kiệm năng lượng, hơn 40 trung tâm khuyến công được lập ra với chức năng thúc đẩy việc tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, thông qua hoạt động tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp, nhưng trên thực tế 50% các trung tâm hiện chỉ thực hiện chức năng tuyên truyền.

Trình độ chuyên môn của các cán bộ làm TKNL tại các Trung tâm vẫn còn hạn chế và thiếu - Ảnh: Ngọc Tuấn.

Ông Đặng Văn Lớp - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là do đội ngũ cán bộ giúp việc làm công tác TKNL còn phải kiêm nhiệm, hạn chế về trình độ chuyên môn, chưa hiểu sâu về công nghệ, thiết bị cùng đó là sự không đồng đều của các trung tâm. Trong đó, nguyên nhân chính vẫn là nguồn kinh phí hàng năm cấp từ ngân sách nhà nước cho các trung tâm còn hạn chế, khi mà đối tượng của chương trình thì rất rộng và đa dạng.

Ông Lớp cho biết, việc tìm lực lượng chuyên gia kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và giao thông vận tải để làm công tác kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp, xác định các giải pháp TKNL, tư vấn xây dựng dự án, tìm nguồn tài chính cho các dự án cho TKNL của Sở Công Thương Long An hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Nhằm hạn chế những khó khăn trong việc thực hiện những chương trình mục tiêu quốc gia TKNL hiệu quả, Sở Công Thương Long An đã phối hợp với Công ty Điện lực Long An và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh ký kết quy chế về việc vận động các hội viên sử dụng điện an toàn, tiết kiệm... kiểm tra giám sát tình hình sử dụng điện tại công sở, cơ quan doanh nghiệp. Đồng thời Sở cũng khuyến khích các doanh nghiệp tự thực hiện kiểm toán năng lượng để từ đó đưa ra các giải pháp TKNL trong sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Dương Hùng Ba – Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk, năm 2013, khi triển khai thực hiện các chương trình TKNL trung tâm đã phải ứng vốn của đơn vị để thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, đến nay  70% kinh phí thực hiện nhiệm vụ năm 2013 vẫn chưa được thanh toán.

Năm 2014, dù chỉ được giao xây dựng mô hình quản lý năng lượng cho 3 doanh nghiệp trong ngành chế biến nông sản, nhưng tính đến thời điểm này (tháng 11/2014), Trung tâm tư vấn phát triển công nghiệp Lâm Đồng mới chỉ hoàn thành hạng mục khảo sát hiện trạng, phần việc tiến hành phân tích, tính toán nhằm xác định các cơ hội TKNL vẫn chưa được thực hiện. Nguyên nhân cũng do thiếu kinh phí và cán bộ làm công tác quản lý năng lượng phải kiêm nhiệm nhiều việc khác.

Cần cơ chế, chính sách phù hợp với địa phương

Theo các trung tâm tiết kiệm năng lượng, trung tâm khuyến công & tư vấn phát triển công nghiệp, để giải quyết tình trạng các trung tâm chỉ hoạt động theo chức năng tuyên truyền và giới thiệu về TKNL, ngoài vấn đề cấp kinh phí sớm cho các trung tâm hoạt động, thì Bộ Công Thương và Văn phòng tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) cần có những cơ chế, chính sách phù hợp với địa phương.

Ông Dương Hùng Ba – Giám đốc Trung tâm Khuyến công & Tư vấn phát triển công nghiệp Đắk Lắk cho rằng: Bộ Công thương và Văn phòng tiết kiệm năng lượng cần có cơ chế ưu đãi, bổ sung biên chế cán bộ làm công tác về TKNL; thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn các chuyên đề về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tham quan thực tế tại các mô hình cụ thể ở địa phương phát triển mạnh về sử dụng năng lượng tái tạo… để cán bộ công tác năng lượng ở các trung tâm, đơn vị hoạt động TKNL học tập. 

Theo ông Đoàn Minh Triết – Phó GĐ Sở Công Thương An Giang, Bộ Công Thương sớm triển khai phân bổ nguồn kinh phí từ trung ương cho địa phương để thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Ông Triết cũng phản ánh, nhiều cơ sở địa bàn tỉnh An Giang hiện sử dụng các nguồn năng lượng tại địa phương như: Trấu, củi trấu, củi thường và than bùn những vật liệu này không nằm trong các nguồn năng lượng có hệ số chuyển đổi năng lượng sang TOE (quy đổi sang tấn dầu tương đương, áp dụng cho một số loại nhiên liệu phổ biến) mà Bộ Công Thương ban hành. Ông Triết đề xuất, Bộ Công Thương nên công bố hệ số chuyển đổi năng lượng sang TOE từ nguồn năng lượng trấu, củi trấu, than bùn…để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Một vấn đề nữa mà các trung tâm cũng rất quan tâm đó là tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi dành cho việc thực hiện TKNL. Vì hiện nay các ngân hàng tại Việt Nam chưa xây dựng được được các tiêu chí để thẩm định việc cho vay thực hiện TKNL tại các doanh nghiệp.

Theo Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, từ đầu năm 2015 Chính phủ Đan Mạch sẽ bảo lãnh 50% các dự án đầu tư về tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Số tiền bảo lãnh cho mỗi doanh nghiệp là từ 10 – 100 ngàn USD.

Bộ Công Thương cho biết, đến năm 2016, bộ này sẽ có một quỹ 200 triệu USD vay từ Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ cho các doanh nghiệp thay đổi công nghệ thực hiện tiết kiệm năng lượng.

 


  • 12/11/2014 05:33
  • Ngọc Tuấn
  • 1452