Với 6.400 MW điện gió mới được đề nghị bổ sung quy hoạch, tổng công suất điện gió có thể lên tới gần 20.000 MW - Ảnh:baodautu.vn. |
Như vậy, với đề nghị mới nhất của Bộ Công Thương tại công văn 7201/BCT-ĐL, tổng công suất điện gió đã có và có thể được bổ sung thêm vào Quy hoạch điện hiện hành đã lên con số 18.200MW.
Theo Bộ Công Thương, việc đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung quy hoạch với 6.400MW điện gió mới này là bởi Bộ tiếp tục nhận được đề nghị của nhiều địa phương ở các khu vực Tây Nam bộ, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ với tổng công suất lên tới gần 50.000MW và ý kiến chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ về phát triển một số dự án điện gió.
Cũng để đáp ứng mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030 theo tinh thần của Nghị quyết 55 – NQ/TW, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, xem xét, bổ sung quy hoạch các dự án điện gió đủ điều kiện theo quy định đối với các địa phương có tiềm năng và thuận lợi phát triển điện gió, có khả năng giải toả công suất, nhưng hiện có ít dự án và có thể triển khai thực hiện nhanh bổ sung nguồn cung ứng điện.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Thủ tướng xem xét, quyết định quy hoạch các dự án lưới điện giải toả công suất các nguồn điện được Bộ Công Thương báo cáo tại Phụ lục 2 của văn bản 4589/BCT-ĐL ngày 24/6/2020 và 17 công trình mới về lưới điện để đồng bộ giải toả công suất của các dự án điện gió mới đề nghị bổ sung này.
Đáng nói là trước đó, khi Bộ Công Thương đề nghị bổ sung 7.000MW điện gió mới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có những tính toán cho thấy, hệ thống truyền tải điện hiện tại đang gặp khó khăn khi đáp ứng nhu cầu truyền tải của các dự án điện gió (4.800MW) và mặt trời (8.935MW) đã được bổ sung vào quy hoạch.
Cụ thể, với kết cấu lưới điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2025 cơ bản có thể đáp ứng giải tỏa. Nhưng trong trường hợp toàn bộ các dự án được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021-2023, sẽ xuất hiện tình trạng quá tải cục bộ tại một số khu vực, tương ứng khoảng 20 - 35% tổng công suất lắp đặt không giải tỏa được.
Với các dự án trên, tổng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo không giải tỏa được do hạ tầng lưới điện không đáp ứng kịp tiến độ năm 2021 là 2.300MW và năm 2023 là 1.555MW, chủ yếu tại khu vực Nam Trung bộ.
EVN cũng cho hay, nếu tính thêm 7.000MW điện gió được Chính phủ thông báo sẽ bổ sung quy hoạch điện thì tình trạng không giải tỏa được do lưới truyền tải còn tiếp tục tăng lên. Cụ thể, cuối năm 2021 chỉ có thể giải tỏa khoảng 3.100MW (đạt 44%); cuối năm 2022 có thể giải tỏa khoảng 4.290MW (đạt 61%) và tới cuối năm 2023 có thể giải tỏa được cỡ 5.070MW (đạt 72%).
EVN đề nghị Chính phủ xem xét giao chủ đầu tư các dự án điện gió thực hiện đầu tư các dự án lưới điện đồng bộ đấu nối dự án điện gió vào lưới điện quốc gia để đảm bảo tiến độ vận hành thương mại và khả năng giải toả công suất của dự án điện gió.
Link gốc