Điện mặt trời đến gần hơn với hộ gia đình

Ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kỹ thuật điện Việt Nam đánh giá, hiện giá một bộ thiết bị điện mặt trời áp mái cho các hộ gia đình đã giảm hơn phân nửa so với cách đây 5 năm. Đây là cơ sở để nguồn năng lượng này đến gần hơn với người dân khắp cả nước.

Nhiều hộ dân ở TP. Hồ Chí Minh đã lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời nối lưới.

Tiện lợi, tiết kiệm

Theo ông Nguyễn Tấn Lộc, tại Việt Nam, hiện đã có hàng trăm doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới để sản xuất các thiết bị điện mặt trời, thay thế hoàn toàn thiết bị nhập khẩu. Nhờ đó, giá thành rẻ hơn một nửa và đáp ứng được nhu cầu của nhiều khách hàng, kể cả những hộ gia đình thuộc diện thu nhập thấp.

Trung tuần tháng 9/2018, Tập đoàn Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK Holdings), Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIC) và Ngân hàng BIDV đã ký kết hợp tác thực hiện giải pháp điện mặt trời BigK dành cho hộ gia đình có công suất từ 2 - 10 kWp. Khi khách hàng tham gia, sản lượng được bảo hiểm sẽ bằng 75% sản lượng dự kiến của hệ thống sản sinh, và ngân hàng hỗ trợ vay ưu đãi từ 12- 36 tháng. Ông Nguyễn Vũ Nguyên, đại diện SolarBK Holdings cho biết, giá trọn gói năng lượng mặt trời trước đây có giá 60 triệu đồng/kWp, hiện chỉ còn 23 triệu đồng/kWp. Tính đến nay đã có 105 hợp đồng BigK được ký kết, tương đương gần 370 kWp công suất điện mặt trời được lắp đặt.

Ông Vũ Khánh Toàn, ngụ tại 79 Phạm Hữu Tâm, khu phố 3, thị trấn Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh cho biết, gia đình mới gắn một bộ năng lượng mặt trời nối lưới của SolaBK với giá 42 triệu đồng. Mặc dù đầu tư gói năng lượng mặt trời vốn bỏ ra ban đầu là hơn cao nhưng bù lại tiền điện sẽ không phải trả. Thậm chí sắp tới còn bán điện dư cho ngành Điện. Rõ ràng, đây là gói đầu tư mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cho hộ gia đình.

Ông Trần Thanh Lân, ngụ tại phường Phước Long B, quận 9, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, thời điểm này, dù thời tiết mưa nhiều hơn nắng nhưng với việc lắp đặt bộ năng lượng mặt trời, gia đình tiết kiệm được hơn 1 triệu đồng tiền điện/tháng. “Đến mùa khô, trời nắng nóng cả ngày, với thiết kế hiện có thì lượng điện thu được sẽ cao hơn mức sử dụng của gia đình. Như vậy, tiền điện không phải trả mà còn thu được thêm tiền từ lượng điện dư thừa bán lại”, ông Lân tính toán.

Theo Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh (EVNHCMC), đến thời điểm này đã có gần 500 khách hàng trên địa bàn thành phố đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái nối lưới, tổng công suất lắp đặt khoảng 5.400 kWp và hiện đang có nhiều hộ dân đăng ký tham gia thực hiện lắp đặt.

Tiềm năng lớn cho điện mặt trời áp mái

Ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam cho biết, hiện nay các nhà máy điện ở khu vực miền Nam không đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Dự báo từ năm 2021-2022, tại khu vực miền Nam sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt khoảng 1,2- 1,6 tỷ kWh/năm và có thể cao hơn trong trường hợp các dự án nhiệt điện than không đáp ứng được tiến độ hoàn thành. Vì thế, điện mặt trời áp mái nối lưới là giải pháp hữu hiệu, vừa để giảm tải cho ngành Điện, vừa góp phần giảm chi phí về tiền điện của người dân .

Theo khảo sát của ngành Điện, TP. Hồ Chí Minh là khu vực có tiềm năng phát triển điện mặt trời, trong đó hơn 316.500 mái nhà có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, công suất đạt khoảng 6.379 MWp. Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ TP. Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện mục tiêu phát triển điện mặt trời đạt 1 GWp vào năm 2020, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới đạt từ 1 - 1,74% tổng công suất tiêu thụ toàn thành phố và tập trung phát triển năng lượng mặt trời, đặt biệt là điện mặt trời trên mái nhà.

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC cho rằng, TP. Hồ Chí Minh là địa phương sử dụng nhiều điện năng. Để giảm tải cho ngành Điện và góp phần tiết kiệm tiền điện cho người dân, EVNHCMC đang tích cực vận động người dân sử dụng hệ thống điện mặt trời nối lưới. Ngoài giúp tiết kiệm tiền điện, người dân còn có thể bán phần điện dư không sử dụng hết cho ngành Điện, đúng với chủ trương sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Chính phủ.

Ngoài khuyến khích các hộ dân lắp đặt thiết bị điện mặt trời, theo ông Bảo, EVNHCMC hiện đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới tại trụ sở của 16 đơn vị thành viên và tiếp tục lắp đặt tại trụ sở, nhà điều hành các trạm biến áp 220/110kV còn lại. Để chương trình điện mặt trời áp mái nối lưới phát triển rộng rãi, ngành Điện còn kiến nghị với UBND TP. Hồ Chí Minh vận động các khu chế xuất, khu công nghiệp, cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước, trường học, bệnh viện tham gia thực hiện chương trình này.


  • 31/10/2018 04:32
  • Nguồn: congthuong.vn
  • 1582