Điện mặt trời sáng cả ngày lẫn đêm

Các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Karlsruhe, Đức đã kết hợp pin năng lượng mặt trời, pin lithium – ion, thiết bị biến tần và phần mềm thông minh thành một cơ sở lưu điện mặt trời lớn nhất nước Đức.

Để lưu điện, các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Karlsruhe đã kết hợp các tấm pin quang điện với pin lithium - ion và thiết bị biến tần chuyển điện một chiều thành điện xoay chiều. Khi không có ánh sáng trời, cơ sở này vẫn có thể cung cấp điện do các pin thithium-ion có khả năng lưu trữ năng lượng mặt trời.

Tại đây, các nhà khoa học lắp đặt 100 bộ thiết bị có cấu hình khác nhau. Dữ liệu về hoạt động của chúng được theo dõi và phân tích liên tục để xem cấu hình nào phù hợp nhất cho việc hòa vào lưới điện và có hiệu quả kinh tế nhất cho người sử dụng.

Theo lời trưởng dự án - ông Olaf Wollersheim: Cơ sở này có công suất 1 MW, trở thành nơi cung cấp điện mặt trời có lưu điện lớn nhất Đức hiện nay. Điều đặc biệt ở dự án là sự phát triển phần mềm điều khiển pin thông minh mang tên Competence E. Software, có thể kiểm soát các yếu tố như nhiệt độ, mức độ sạc, cường độ năng lượng mặt trời và đặc tính của pin.

Điện mặt trời có khả năng tránh sự khai thác cực đại vào buổi trưa và cung cấp điện vào những thời điểm khác trong ngày. Ảnh minh họa.

Dự án đặt ra mục tiêu chính là tạo sự hài hòa giữa sản xuất điện với biểu đồ tiêu thụ điện của các hộ gia đình hoặc doanh nghiệp. Thông thường, các cơ sở điện mặt trời sản xuất nhiều điện nhất vào buổi trưa, tuy nhiên đây cũng là thời điểm tiêu thụ điện thấp. Cơ sở này có khả năng tránh sự khai thác cực đại vào buổi trưa và cung cấp điện vào những thời điểm khác trong ngày.

Tùy theo chi phí lắp đặt, người tiêu dùng phải đầu tư cho thiết bị lưu điện mặt trời từ 6 - 12 cents/kWh, trong khi giá điện bình quân của hộ gia đình ở Đức hiện nay vào khoảng 29 cents.

Do được sản xuất với số lượng lớn ở Trung Quốc nên giá tấm pin quang điện đã giảm mạnh, khiến người tiêu dùng dễ dàng hơn trong việc quyết định sử dụng điện mặt trời. Tuy nhiên, để chuyển sang dùng điện mặt trời, các hộ gia đình cần một khoản đầu tư ban đầu lớn. Ông Olaf Wollersheim cho rằng: Trong tương lai cần có những mô hình chi tài chính đặc biệt để xử lý vấn đề này.

Học viện Công nghệ Karlsruhe là một trong những trường Đại học nghiên cứu lớn nhất và uy tín nhất trong số các tổ chức giáo dục ở Đức.

Tại Viện Công nghệ Karlsruhe, nơi làm việc và học tập của 9.400 nhân viên và 24.500 sinh viên, điện mặt trời đang phục vụ cho hoạt động của các thiết bị nghiên cứu cỡ lớn.

Xét cả năm, điện mặt trời đáp ứng khoảng 2% nhu cầu và bảo đảm sinh lời. Với khoản tiền đầu tư 1,5 triệu Euro và tuổi thọ là 20 năm, Viện Công nghệ Karlsruhe mỗi năm tiết kiệm khoảng 200.000 Euro chi phí tiền điện.

 


  • 22/09/2014 09:42
  • Theo Tia sáng
  • 1497