Điện năng lượng mặt trời: Giải pháp tối ưu cho đảo An Bình

Nằm cách đảo lớn chưa đầy 5 km nhưng cuộc sống của trên 100 hộ dân xã đảo An Bình (còn gọi là đảo bé Lý Sơn, thuộc huyện Lý Sơn - Quảng Ngãi) gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nguồn điện phục vụ thắp sáng và sinh hoạt là vấn đề nan giải.

Hệ thống pin năng lượng mặt trời được lắp đặt tại đảo An Bình

 

An Bình là xã đảo vùng sâu, vùng xa của huyện đảo Lý Sơn. Nhưng năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tại đây đã có nhiều công trình phục vụ dân sinh được xây dựng, trong đó có dự án điện thắp sáng bằng hệ thống pin năng lượng mặt trời do Viện Năng lượng lắp đặt thí điểm cho 20 hộ dân. Công trình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bà con. Tuy nhiên, vẫn còn trên 80 hộ dân của xã đảo đang phải sống trong cảnh khó khăn vì không có điện.

Không có điện, người dân bị hạn chế trong việc tiếp cận với máy móc, phương tiện nghe nhìn, giải trí, việc học hành của con em cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Các thầy cô giáo được điều động từ đảo lớn hay từ đất liền ra công tác, ngoài những khó khăn về nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại, hàng ngày họ cũng phải đối mặt với những khó khăn chung của người dân địa phương. Chị Nguyễn Thị Oanh, giáo viên từ đất liền ra công tác tại đảo hơn 4 năm, tâm sự: "Được tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của người dân, chúng tôi rất đồng cảm và chia sẻ, chỉ mong nơi đây sớm có điện để phục vụ sản xuất, sinh hoạt và thắp sáng, các em không phải học bài dưới ánh đèn dầu tù mù".

Theo tính toán của chị Oanh, tuy chỉ sử dụng đèn dầu thắp sáng, nhưng mỗi tháng một gia đình ở xã đảo cũng tiêu tốn 6 - 8 lít dầu hoả, hết khoảng 150.000 đồng. Đây là khoản chi không nhỏ đối với người dân xã đảo quanh năm chỉ sống dựa vào mấy sào hành tỏi cằn cỗi.

Ông Trần Minh Hoằng, Phó chủ tịch UBND xã đảo An Bình cho biết: "Năm 2005, Viện Năng lượng triển khai dự án lắp đặt thí điểm 20 bộ pin năng lượng mặt trời cho 20 hộ dân, trị giá trên 20 triệu đồng/bộ. Sau hơn 6 năm sử dụng, hệ thống này phát huy hiệu quả rõ rệt, vừa tiết kiệm chi phí, vừa không ô nhiễm môi trường, phù hợp với điều kiện địa phương. Từ sau ngày thành lập xã, UBND huyện Lý Sơn cũng cấp cho xã một máy phát điện công suất 15 kW, tuy nhiên, do chi phí tiêu thụ nhiên liệu quá cao, thu không đủ chi nên ngân sách địa phương không kham nổi, phải ngừng hoạt động.

Trước những khó khăn về nguồn điện thắp sáng, vừa qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức chương trình "Vì biển đảo thân yêu", qua đó đã có hàng trăm tổ chức, cá nhân đóng góp, ủng hộ để xây dựng công trình điện thắp sáng bằng năng lượng mặt trời cho người dân xã đảo. Dự kiến chương trình này sẽ hoàn thành vào giữa năm 2012.


  • 14/12/2011 10:00
  • Theo Báo Kinh tế nông thôn
  • 2257


Gửi nhận xét