"Diều biển” tạo ra năng lượng từ thủy triều

Thiết bị có hình dáng giống chiếc diều được Công ty Minesto (Thụy Điển) phát triển, có thể tạo ra năng lượng từ thủy triều.

"Cha đẻ" của công nghệ “diều biển” là kỹ sư Magnus Landberg. Ban đầu, kỹ sư Landberg đặt tên cho công nghệ là Enerkite. Sau này, khi Công ty Minesto (Thụy Điển) mua lại và phát triển dự án, họ đổi tên là Deep Green.

"Diều biển" Deep Green đã được thử nghiệm hơn 5 năm. Ảnh: Minesto.com

Công nghệ Deep Green khai thác dòng chảy dưới nước, tạo ra lực nâng thủy động lực trên cánh, sau đó đẩy nó lên trên. Một bánh lái điều khiển con diều quay theo quỹ đạo hình số 8 và khi nó quay, nước sẽ chảy qua tuabin, tạo ra điện.

Hai mô hình diều biển Deep Green mà Minesto đang phát triển đều có thể hoạt động trong dòng thủy triều tốc độ thấp (1,2-2,4m/s). Mô hình DG500 có sải cánh 12m, nặng 10 tấn và có công suất 500 kW; mô hình DG100 nhỏ hơn, có sải cánh 4-5m, nặng khoảng 1-2 tấn và có công suất 100 kW.

Việc có thể hoạt động tốt ở dòng chảy tốc độ thấp (dưới 2,5m/s) là ưu thế của công nghệ này. Bởi hầu hết các công nghệ năng lượng thủy triều khác yêu cầu dòng chảy phải có tốc độ tối thiểu 2,5m/s hoặc nhanh hơn để sản xuất điện hiệu quả. Trong khi thực tế, phần lớn tài nguyên năng lượng thủy triều toàn cầu có đặc tính vận tốc thấp, dòng chảy thường chậm hơn 2,5m/s.

Sau hơn 5 năm thử nghiệm Deep Green ở dưới biển, gần đây Công ty Minesto đã ký thỏa thuận chính thức về việc lắp đặt thiết bị này cho quần đảo Faroe - một vùng tự trị thuộc Đan Mạch nằm trên biển Bắc Đại Tây Dương.

Ông Hakun Djurhuus, giám đốc điều hành Công ty Điện lực SEV của quần đảo Faroe chia sẻ, lâu nay Faroe phải mua điện từ các nước láng giềng nhưng việc này không dễ dàng và rất đắt đỏ vì quần đảo nằm quá xa đất liền. Trong khi đó, năng lượng thủy triều là một nguồn vô tận, đặc biệt phù hợp với các quần đảo như Faroe. Thỏa thuận giữa Minesto và Công ty Điện lực SEV bao gồm việc lắp đặt và vận hành 2 mô hình DG100. Dự kiến, Minesto sẽ đưa 2 con diều vận hành lần lượt vào cuối năm 2019 và năm 2020.

Ủy ban châu Âu (EC) đã từng nhận định "năng lượng đại dương" là nguồn năng lượng tái tạo phong phú. Theo EC, nguồn năng lượng này có thể đóng góp khoảng 10% nhu cầu năng lượng của Liên minh châu Âu vào năm 2050.


  • 14/02/2019 09:26
  • Hồng Minh
  • 2725