Sáng ngày 2/3, tại Nhà Quốc hội, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn có buổi làm việc với Bộ Công Thương. Đoàn giám sát đề nghị Bộ Công Thương tập trung hoàn thiện 5 quy hoạch ngành quốc gia, nhất là đối với Quy hoạch điện 8.
Bộ Công Thương được giao lập 5 quy hoạch ngành quốc gia, đó là Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia; Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Quy hoạch phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng kho xăng dầu khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản; Quy hoạch thăm dò khai thác, chế biến sử dụng quặng phóng xạ.
Đến nay cả 5 quy hoạch đều chưa được phê duyệt. Bộ Công Thương mới thực hiện xong việc rà soát, ban hành danh mục tích hợp vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, rà soát quy hoạch hết hiệu lực ngành công thương. Nguyên nhân tiến độ chậm trễ là do phải tập trung công tác phòng chống dịch, cũng như chuẩn bị cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát đề nghị làm rõ căn cứ lập quy hoạch ngành thuộc lĩnh vực công thương, cũng như chất lượng của các quy hoạch, đồng thời đánh giá cách thức rà soát, điều chỉnh thống nhất các quy hoạch của ngành với quy hoạch quốc gia khác, vì thực tế chưa có đủ căn cứ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đoàn Thị Thanh Mai nêu kiến nghị: “Quy hoạch hạ tầng lưu trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt gắn bó mật thiết với việc quy hoạch giao thông đường bộ, đường sắt, đường cảng biển, hàng không. Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản thì sẽ có liên quan mật thiết đến quy hoạch điều tra cơ bản về địa chất về khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong bối cảnh mà quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được hoàn thiện thì yếu tố nào đảm bảo được sự đồng bộ giữa các quy hoạch ngành quốc gia?”
Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm trưởng đoàn
|
Đáng chú ý liên quan đến Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia chưa được phê duyệt, các đại biểu cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch điện lực thời kỳ 2021-2030 còn nhiều bất cập, trong đó Quy hoạch điện 8 cũng chưa xong.
Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đề nghị: “Trong quy hoạch phát triển điện lực thì cơ cấu của năng lượng tái tạo, trong hợp phần sản lượng điện, đặc biệt thực hiện chủ trương cho Cop 26. Tôi cho rằng năng lượng tái tạo phải là ưu tiên, trong khi chúng ta hiện nay vẫn tăng phụ tải điện than lên mà nhiều nước hiện nay đã bỏ điện than. Và trong tính toán phụ tải điện đã tính đến sự thay đổi của nền kinh tế gắn với chuyển đổi số và giảm những ngành sử dụng nhiều năng lượng, chẳng hạn như: thép, nhôm, bô xít, vậy liệu có hợp lý hay không?"
Làm rõ các vấn đề của thành viên Đoàn Giám sát của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết đang hoàn thiện các thủ tục về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để trình Thủ tướng trong tháng 3 này với những nội dung cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu: “Đối với các quy hoạch hiện hành, gồm có điện gió điện, mặt trời, điện rác, điện khí và đặc biệt có bổ sung thêm 50 công trình lưới truyền tải. Với tiêu chí đó thì Quy hoạch điện 8 chắc chắn sẽ phải có sự điều chỉnh với một số các nguyên tắc. Đó là phải giảm điện than, tăng sử dụng năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió điện mặt trời. Đồng thời cân đối tính vùng miền, cũng như đảm bảo phụ tải. Huy động xã hội hóa về lưới điện truyền tải… Những vấn đề này sẽ được tích hợp trong Quy hoạch điện quốc gia”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, có báo cáo giải trình cụ thể những vấn đề được thành viên Đoàn giám sát đặt ra. Trong đó, tập trung hoàn thiện 5 quy hoạch ngành quốc gia, nhất là đối với Quy hoạch điện 8. Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch tổng thể tránh lãng phí nguồn lực, không đảm bảo chất lượng công tác quy hoạch.
Link gốc