Quyền đại sứ Na Uy tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Ng.Tuấn. |
Phát biểu tại hội thảo, bà Grete Løchen, quyền đại sứ Na Uy tại Việt Nam tin tưởng, sự phát triển tích cực gần đây về khung pháp lý hỗ trợ thị trường năng lượng mặt trời của Việt Nam, trong đó có giá mua điện mặt trời, thỏa thuận mua bán điện… sẽ tạo ra nhiều cơ hội hợp tác về điện mặt trời giữa doanh nghiệp của Na Uy với các đối tác Việt Nam.
Theo bà Grete Løchen, tại Na Uy, thủy điện vẫn đang là xương sống của hệ thống điện Na Uy, nhà máy thủy điện đầu tiên do nhà nước sở hữu và đi vào vận hành từ năm 1891 tại miền Bắc. Cũng từ thời điểm đó, Na Uy đồng thời phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, từ đầu những năm 1990, Na Uy đã là một trong những quốc gia phát triển công nghiệp điện mặt trời.
Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc EVNPECC1 Phạm Nguyên Hùng cho biết, nằm trong định hướng phát triển chung của công ty, lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời là lĩnh vực đang được EVNPECC1 quan tâm đặc biệt và ưu tiên phát triển trong thời gian tới.
Hiện công ty đã từng bước tham gia vào lĩnh vực điện mặt trời trong nước với các dự án: Cụm Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 1, tại tỉnh Bình Thuận với tổng công suất 250 MW, tham gia với vai trò tư vấn của tổng thầu EPC và xây lắp; một số dự án điện mặt trời có công suất 50 MW khác như: ĐMT Ami Bình Thuận, ĐMT Ami Khánh Hòa…
Tại hội thảo, các doanh nghiệp Na Uy cũng đã có phần trình bày giới thiệu những công nghệ điện mặt trời hiện đại nhất hiện nay, trong đó đặc biệt là công nghệ hệ thống điện mặt trời nổi, một thị trường còn rất nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.