Một số cơ sở cán thép không luyện phôi vào ban ngày để tiết giảm chi phí điện năng
|
Do chênh lệch giá điện giữa giờ cao điểm (ban ngày) gấp 3 lần giờ thấp điểm (ban đêm) nên Công ty Tuấn Cường chỉ luyện phôi vào ban đêm. Mỗi ngày, kế hoạch sản xuất được Công ty bố trí như sau: Ban ngày, công nhân và cán bộ ở đây chủ yếu làm những việc sự vụ, thủ công hay thực hiện những công đoạn sản xuất ít sử dụng điện năng như phân loại, lựa chọn nguyên liệu, cán thép thủ công… Đến tối, công nhân bắt đầu vào sản xuất từ 20 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau. Mỗi đêm, Công ty sản xuất khoảng 3 đến 4 mẻ thép, cho ra lò từ 1,5 đến 2 tấn phôi thép. Như vậy, chỉ tính riêng tiền điện mỗi tháng, Công ty tiết kiệm được khoảng 1/3 chi phí tiền điện.
Mặc dù trong thời điểm hiện nay, thị trường thép trên địa bàn miền Trung đang có dấu hiệu khan hiếm hàng, giá thép cũng có xu hướng tăng, song Công ty Tuấn Cường vẫn cam kết không tăng giờ sản xuất và tăng ca luyện phôi vào ban ngày. Ông Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Công ty cho biết: “Quán triệt tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam về tíêt kiệm điện năm 2011 (Chỉ thị số 05/CT-UBND, ngày 23/02/2011), chúng tôi đã thoả thuận với Điện lực Thăng Bình hạn chế sử dụng điện trong giờ cao điểm và chuyển sản xuất từ ban ngày sang ban đêm, dù đang vào mùa xây dựng, nhu cầu thép tăng cao. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tuyên truyền để cán bộ, công nhân Công ty hưởng ứng chủ trương tiết kiệm điện sinh hoạt trong gia đình, cùng chia sẻ khó khăn với ngành Điện. Qua thực tế chuyển đổi thời gian làm việc, người lao động ngày càng hiểu rõ hơn, tiết kiệm điện không chỉ góp phần chia sẻ khó khăn với ngành Điện,chung tay xây dựng quê hương mà còn giảm chi phí cho gia đình trong thời buổi “gạo châu, củi quế” như hiện nay”.
Bên cạnh việc chuyển thời gian sản xuất từ ngày sang đêm, Công ty Tuấn Cường còn có nhiều sáng kiến tiết kiệm điện như: Rút ngắn thời gian hoàn thành một sản phẩm, nâng cao tay nghề cho công nhân, đồng thời khuyến khích anh chị em rút ngắn thời gian sản xuất một sản phẩm bằng cách nâng đơn giá tiền công.Trước đây, một chu kỳ luyện phôi kéo dài 2,5 giờ và mỗi kg thành phẩm được hưởng đơn giá 200 đồng. Sau khi được học tập nâng cao tay nghề và ý thức sản xuất, cộng với đơn giá tiền công được nâng lên 230 đồng/kg thành phẩm, công nhân và cán bộ kỹ thuật đã giảm thời gian cho một chu kỳ luyện phôi xuống còn 1,5 giờ, từ đó dẫn đến điện năng tiêu thụ giảm, tiết kiệm được chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm.
Ông Nguyễn Đức Minh - Phó Giám đốc Điện lực Thăng Bình cho biết:. Từ khi có Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, nhiều hộ, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn đã tự điều chỉnh giảm điện năng tiêu thụ. Với nhiều sáng kiến tiết kiệm điện, các doanh nghiệp không chỉ giảm chi phí tiền điện mà còn hoàn toàn chủ động trong sản xuất, kinh doanh