Doanh nghiệp điện lạnh ứng dụng công nghệ cao bảo vệ môi trường

Daikin Việt Nam sử dụng môi chất lạnh R32, xây nhà máy "xanh", ứng dụng công nghệ tiết kiệm điện vào máy điều hòa, nhằm hạn chế tác động môi trường.

Chuyển đổi công nghệ và sử dụng môi chất lạnh thế hệ mới nhằm giảm thiểu tác động đến tầng ozone là một trong những xu hướng nổi bật của ngành công nghiệp điện lạnh trên thế giới hiện nay. Tại Việt Nam, xu hướng này đã trở thành con đường tất yếu của doanh nghiệp, nhất là khi Việt Nam đã tham gia hàng loạt công ước quốc tế với cam kết thúc đẩy sản xuất thân thiện với môi trường.

Thách thức của các doanh nghiệp điện lạnh

Theo Cục Biến đổi Khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2030, Việt Nam cam kết cắt giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường bằng nguồn lực trong nước và mức cắt giảm lượng phát thải có thể lên tới 25% khi nhận hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương và đa phương.

Trong lĩnh vực làm lạnh và điều hòa không khí, Cục Biến đổi Khí hậu sẽ đồng hành hợp tác và khuyến khích các doanh nghiệp tại Việt Nam chuyển đổi công nghệ nhằm loại trừ các chất làm suy giảm tầng ozone, giảm phát thải khí nhà kính.

Bà Lý Thị Phương Trang - Tổng giám đốc Daikin Vietnam (ngoài cùng bên phải) trao đổi tại tọa đàm "Hành trình bảo vệ tầng ozone vì sự sống". Ảnh: Daikin Việt Nam.

Thực tế, xu hướng chuyển đổi công nghệ và thay thế môi chất làm lạnh thế hệ mới đối diện nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất được cho là chi phí đầu tư và lợi nhuận doanh nghiệp trong thời gian đầu chuyển đổi. Về công nghệ, doanh nghiệp cần phải thay đổi hoàn toàn dây chuyền sản xuất, giá nhập khẩu gas R32 thời gian đầu cao dẫn đến điều hòa sử dụng môi chất lạnh này cùng sẽ có giá thành tương ứng.

Về tính năng an toàn, doanh nghiệp cũng cần chứng minh R32 là môi chất lạnh an toàn, thân thiện với môi trường, khó cháy nổ, phù hợp nhất với điều hòa thông qua hàng loạt bài kiểm tra ở quy mô doanh nghiệp và tiêu chuẩn chất lượng quy mô toàn cầu.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng dây chuyền công nghệ sản xuất thế hệ mới đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư cho đội ngũ nhân lực có trình độ tương ứng, phù hợp với tiêu chuẩn mới do những khác biệt về tính chất môi chất lạnh mới.

Doanh nghiệp nỗ lực giảm tác động môi trường

Là doanh nghiệp thuộc tập đoàn tiên phong sử dụng môi chất lạnh R32 - Daikin (Nhật Bản), Daikin Việt Nam bắt đầu sản xuất và kinh doanh điều hòa không khí sử dụng gas R32 từ năm 2014. Đến năm 2017, tỷ lệ điều hòa sử dụng R32 đạt 50%.

Trên toàn cầu hiện có 83% sản phẩm điều hòa không khí của thương hiệu Daikin sử dụng công nghệ bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính đến 54 triệu tấn, và đã có hơn 10 triệu sản phẩm sử dụng môi chất lạnh R32 được tiêu thụ tại 52 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tại Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, hơn 90% sản phẩm sản xuất tại nhà máy Daikin Việt Nam đều sử dụng môi chất lạnh thế hệ mới này.

Tập đoàn này đặt mục tiêu đến năm 2050, toàn bộ sản phẩm điều hòa không khí Daikin sẽ sử dụng môi chất lạnh R32, cùng loạt công nghệ tiên tiến giúp giảm tiêu thụ điện năng, vận hành thân thiện với môi trường, đưa lượng phát thải nhà kính do sử dụng khí gas về mức 0.

Nhà máy Daikin Việt Nam đạt chứng nhận ISO 14001:2015 cho những nỗ lực nâng cao chất lượng quản lý và các tiêu chuẩn về môi trường theo chuẩn quốc tế. Ảnh: Daikin Việt Nam.

Tại toạ đàm do Cục Biến đổi Khí hậu tổ chức nhân ngày Quốc tế Ozone 16/9, bà Lý Thị Phương Trang - Tổng giám đốc Daikin Việt Nam cho biết, nỗ lực bảo vệ môi trường luôn là định hướng của tập đoàn này ngay từ ngày đầu thành lập và được triển khai xuyên suốt, đồng nhất tại mỗi thị trường thương hiệu này đặt chân đến. Với định hướng đầu tư lâu dài và phát triển bền vững ở Việt Nam, Dakin cũng chú trọng đến việc giữ gìn môi trường bản địa, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Một trong những thuận lợi lớn của Daikin Việt Nam khi phát triển chiến lược bảo vệ môi trường tại Việt Nam, là ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất từ tập đoàn. Bên cạnh sử dụng môi chất lạnh R32, nhà máy Daikin tại Hưng Yên còn áp dụng những công nghệ giảm tiêu thụ năng lượng trong sản xuất, cung cấp sản phẩm giúp người dùng hạn chế tiêu thụ điện, từ đó giảm phát thải khí nhà kính, giảm lượng khí gây hại cho tầng Ozone. Gần đây nhất, nhà máy Daikin Việt Nam đạt chứng nhận ISO 14001:2015, cấp bởi Hiệp hội Chất lượng Nhật Bản (JQA) cho những nỗ lực nâng cao chất lượng quản lý và đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường theo chuẩn quốc tế.

Tôn chỉ bảo vệ môi trường còn thể hiện ở dự án trụ sở văn phòng Daikin tại TP HCM khi áp dụng tiêu chuẩn công trình xanh LEED (Mỹ) và Lotus (Việt Nam) nhằm đảm bảo sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện với môi trường.

"Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên sử dụng môi chất lạnh R32 nhằm giảm tác động đến tầng Ozone, dù đã trải qua nhiều khó khăn, chúng tôi tin đây là hướng đi tất yếu không chỉ với Daikin Việt Nam mà còn với ngành điện lạnh, vì mục tiêu phát triển bền vững", bà Lý Thị Phương Trang chia sẻ.

Daikin Việt Nam đã trải qua thời gian dài đầu tư và chuyển đổi, việc triển khai hiệu quả và đồng bộ chiến lược phát triển bền vững trên mọi phương diện đã mang đến thành quả đáng ghi nhận. Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, "điều kiện đủ" để thúc đẩy xu hướng sản xuất thân thiện môi trường là sự đồng hành của cơ quan nhà nước và nhận thức của người tiêu dùng. "Chúng tôi mong các Bộ, ban ngành triển khai nhiều chương trình lớn và dài hạn nhằm hỗ trợ và nêu gương doanh nghiệp điển hình để đẩy mạnh khuyến khích chuyển đổi công nghệ", bà Lý Thị Phương Trang nhấn mạnh.

Link gốc


  • 03/10/2020 04:57
  • Nguồn: vnexpress.net
  • 1771