Bộ Công Thương đang chuẩn bị dự án tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp Việt Nam, nhằm cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho doanh nghiệp tham gia.
|
Tiềm năng tiết kiệm lớn
Điểm đột phá của Giờ trái đất 2019 là chọn các gương mặt doanh nhân làm Đại sứ của chương trình, nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về tiết kiệm điện nói riêng và năng lượng nói chung ở các doanh nghiệp, vốn là đối tượng tiêu thụ năng lượng lớn.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, một trong 2 doanh nhân được mời làm Đại sứ Giờ trái đất 2019 cho hay, với phương châm xây dựng hệ thống sản xuất xanh, Tập đoàn Sơn Hà luôn chú trọng đến công tác nghiên cứu phát triển để tiếp tục cải tiến liên tục hệ thống sản xuất sử dụng năng lượng tối ưu vào sản xuất. Không chỉ triển khai sản xuất và cung ứng ra thị trường các sản phẩm sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như sản phẩm thiết bị nước nóng Thái Dương năng (biến năng lượng mặt trời thành nhiệt năng), Sơn Hà đã quan tâm và bắt đầu triển khai các dự án điện mặt trời quy mô lớn, điện mặt trời áp mái và sắp tới là điện gió.
Bên cạnh đó, các giải pháp tiết kiệm năng lượng cũng được Sơn Hà tập trung triển khai. Cụ thể, hàng năm doanh nghiệp đều thực hiện chương trình kiểm toán năng lượng để đưa ra các giải pháp tối ưu cho việc sử dụng năng lượng trong sản xuất: Sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, áp dụng những công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng trong các công đoạn sản xuất, các công xưởng luân phiên sản xuất tránh căng thẳng về điện trong giờ cao điểm. “Ban đầu chi phí tiền điện của một nhà máy Sơn Hà tại Bắc Ninh là gần 500 triệu đồng/tháng, nhưng sau khi áp dụng các giải pháp thì chi phí tiền điện giảm xuống, chỉ còn gần 300 triệu đồng/tháng. Trong hệ thống của Sơn Hà hiện có 10 nhà máy tương tự như ở Bắc Ninh”, ông Sơn nói.
Chia sẻ thực tế tiết kiệm năng lượng từ khối các doanh nghiệp sản xuất, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. “Theo đánh giá, tiềm năng kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng trong khu vực công nghiệp ở Việt Nam là từ 20 - 30%, thậm chí có những khu vực lên tới 40%”, ông Vũ nói.
'Soi' doanh nghiệp dùng nhiều điện
Cũng bởi tiềm năng tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn còn nhiều dư địa, nên năm 2019, Bộ Công Thương sẽ tập trung thanh tra các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm. Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 2.497 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.
Ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, các doanh nghiệp được xác định là trọng điểm tiêu thụ năng lượng khi dùng trên 1.000 tấn dầu quy đổi hoặc 6 triệu kWh điện/năm. Các doanh nghiệp này sẽ phải có trách nhiệm với đất nước, có cán bộ làm về tiết kiệm năng lượng, thực hiện kiểm toán năng lượng 3 năm/lần, có báo cáo thực trạng dùng năng lượng, kế hoạch cải thiện sử dụng năng lượng lên các sở chuyên ngành tại địa phương mà đơn vị hoạt động.
Để có cơ sở xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của các đơn vị công nghiệp này, Bộ Công Thương đã ban hành 6 thông tư về tiêu hao năng lượng định mức/sản phẩm ở các ngành hóa chất, thép, bia, nước giải khát, nhựa và chế biến thủy sản.
Cũng để giúp doanh nghiệp quen với tiết kiệm năng lượng, Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng hiệu quả đã có những hỗ trợ kỹ thuật về kiểm toán năng lượng, đào tạo hướng dẫn cán bộ của doanh nghiệp và triển khai các dự án trình diễn, quảng bá công nghiệp tiết kiệm năng lượng điển hình.
Năm 2015, với sự trợ giúp của Đan Mạch, Bộ Công Thương đã thành lập quỹ trị giá 6 triệu USD để bảo lãnh cho doanh nghiệp ngành gạch, gốm vay vốn để đổi mới thiết bị, nâng cao hiệu quả năng lượng. Chỉ trong 2 năm thực hiện, đã có 63 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành này được vay vốn. Hiện Bộ Công Thương đang chuẩn bị dự án tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp Việt Nam do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ, thực hiện thông qua 2 ngân hàng là Vietcombank và BIDV, nhằm cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết cho doanh nghiệp tham gia.