Đổi đời nhờ ... tưới nước

Bằng việc áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, nông dân có thể tăng năng suất, sản lượng của cây trồng nhưng vẫn tiết kiệm lượng lớn nước và phân bón.

Bấm nút khởi động, cả vườn cây được tưới

Tay mân mê điều thuốc, nhấp một ngụm cà phê, anh Nguyễn Thanh Phước, nông dân sản xuất giỏi cấp quốc gia của xã Hưng Lộc chỉ ra vườn cây ăn trái đang đến mùa thu hoạch, cười cho biết: “Trước đây, việc tưới nước, bón phân của nhà vườn chúng tôi cực lắm, quay đi quay lại, đầu tắt mặt tối mà cũng chưa xong. Thế nhưng, từ ngày áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, bà con trong xã thảnh thơi hẳn. Bởi thay vì phải vác ống chạy khắp vườn, giờ thì chỉ cần hòa phân vào với nước, bấm nút cho khởi động hệ thống tưới là có thể rảnh tay để làm việc khác, trong khi vườn cây của mình được đảm bảo tưới đầy đủ, độ thấm sâu hơn nhiều khi tự tưới bằng tay”.

Đến thời điểm hiện tại, hơn 80% hộ dân tại xã Hưng Lộc đã áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm, giúp cây phát triển nhanh và có hiệu quả cao.

Hệ thống tưới nước nhỏ giọt giúp cho nông dân tiết kiệm được nguồn nước tưới nhưng vẫn tăng được năng suất cây trồng - Ảnh: Nguồn Internet.

Tương tự, sau nhiều năm vất vả tưới nước cho cây trồng bằng phương pháp thủ công, ông nông dân Nguyễn Bá Thịnh (xã Lộc An, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) đã tìm hiểu và ứng dụng phương pháp tưới nước nhỏ giọt vào vườn hồ tiêu nhà mình và đem lại những kết quả hết sức khả quan.

Đặc biệt, hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động được ông Thịnh cải tiến có thể sử dụng được ở 3 mục đích: Tưới nước, bón phân và tưới thuốc bảo vệ thực vật, đem lại hiệu quả kinh tế cao và tiết kiệm rất nhiều chi phí. Hiện tại, gia đình ông Thịnh có 3,5 ha với 6.500 trụ tiêu, chi phí đầu tư cho hệ thống tưới vào khoảng 40 triệu đồng/ha. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận hàng năm lên đến hơn 1 tỷ đồng.

“Bằng việc áp dụng mô hình tưới nước nhỏ giọt, phân hóa học lẫn thuốc trừ sâu đều được hòa tan hoàn toàn trong nước, không bị bay hơi nên có thể thấm nhanh vào trong đất, rễ cây có thể hấp thụ được ngay. Không chỉ áp dụng được cho cây tiêu, mà những loại cây trồng khác như cao su, cà phê, cây ăn trái… đều có thể sử dụng tốt mô hình tưới này”, ông Thịnh chia sẻ.

Tưới nước tiết kiệm, mô hình nông nghiệp hiện đại

Được biết, mô hình tưới nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt) là một thế thống đường ống và dây nhựa kín được cố định và chôn ngầm (trừ phần van tưới) dưới đất trong khu vực mà người sử dụng muốn dùng để tưới cho cây cối. Cùng với đó là hệ thống máy bơm, bộ lọc, bộ hút phân, van điều áp, van đóng mở … được kết nối với nhau và thông với bồn chứa nước.

Khi sử dụng, thay vì phải kéo ống để tưới như các phương pháp tưới thông thường, người sử dụng chỉ cần ngồi một chỗ, bật công tắc là cả hệ thống sẽ tự động tưới nước một cách từ từ và đều khắp cho cây trồng.

Do lưu lượng nước nhỏ, lại được tưới thường xuyên trong thời gian dài, nên độ ẩm của đất luôn được duy trì, giúp cây trồng hấp thu hoàn toàn những lượng nước cũng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… do người nông dân sử dụng.

Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Trung tâm nghiên cứu Đất – Phân bón & Môi trường phía Nam, ngay từ năm 1968, Mỹ đã là quốc gia đầu tiên nghiên cứu và áp dụng thành công hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây trồng. Nếu chỉ tính  từ năm 2000 đến nay, đã có trên 26 quốc gia áp dụng mô hình này vào trong nông nghiệp. Ưu điểm lớn nhất của mô hình tưới nhỏ giọt này là có thể sử dụng trên mọi địa hình, từ nơi nguồn nước dồi dào cho đến nơi khan hiếm nước.

Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Đất – Phân bón & Môi trường, so với các cách tưới truyền thống như tưới phun, tưới ngập, tưới rãnh…, công nghệ tưới nhỏ giọt sẽ giúp tiết kiệm từ  20 - 40% lượng nước và giảm lượng phân bón, thuốc trừ sâu cho cây trồng.

Qua đó, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường và thoái hóa đất trong nông nghiệp. Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ tưới hiện đại này, năng suất cây trồng có thể tăng từ 10 - 40%, đồng thời, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập cho các hộ gia đình sử dụng.

Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng trên thực tế, việc áp dụng mô hình tưới tiết kiệm ở nước ta hiện nay vẫn còn rất hạn chế. Một phần là do công tác tuyên truyền và nhận thức của người dân về đổi mới công nghệ còn thiếu và yếu, một phần bởi chi phí đầu tư ban đầu vẫn còn khá cao so với mức thu nhập của người dân.


  • 15/07/2015 09:07
  • Theo:khampha.vn
  • 1554