Khi đồng bào tiết kiệm điện
Thôn 9, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà có đến 70% là đồng bào dân tộc. Họ sống quần cư và đan xen văn hóa với nhau tạo nên bức tranh lập thể nhiều màu sắc: Người Thái, người Dao, người Tày, người Nùng, người H’ Mông…
Ông Nguyễn Văn Phụng, Trưởng phòng Hạ tầng Kinh tế huyện Lâm Hà cho biết, thu nhập bình quân của người dân Lâm Hà trong năm 2013 khoảng 36 triệu đồng/năm.
Nhà ông Ngọc Quý (thôn 9, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà) có 4 khẩu. Nhà có 4 ti vi, 1 tủ lạnh, 01 máy giặt, 1 máy nước nóng… Hàng tháng, ông phải trả tiền điện khoảng trên 400.000 ngàn đồng, nhưng từ khi được các cán bộ Điện lực Lâm Hà tư vấn cách dùng điện an toàn và tiết kiệm, nhà ông Quý đã giảm được hơn 100.000 đồng tiền điện/tháng.
|
Các công nhân Điện lực Lâm Hà đang hướng dẫn bà con cách lắp đặt các thiết bị điện sao cho an toàn nhưng vẫn tiết kiệm được - Ảnh: Diệu Hiền. |
Ông Ngọc Quý hào hứng kể lại: “Trước đây, nhà tôi mỗi người ôm một cái ti vi, máy nước nóng, các thiết bị sử dụng điện nếu có nhu cầu sử dụng đều không tính toán vào giờ giấc. Sau khi nghe các anh nhà điện tư vấn, cả nhà tôi điều chỉnh lại từ việc xem ti vi, cách sử dụng nồi cơm điện, rồi thay thế đèn sợi đốt sang đèn compact, thay thế bình nước nóng dùng điện sang dùng bình năng lượng mặt trời, xung quanh nhà thì trồng nhiều cây xanh tạo bóng mát để hạn chế sử dụng quạt máy . Cứ thế là tiền điện giảm hẳn. Hoan hô các anh trong ngành Điện đã giúp tôi hiểu được tiết kiệm điện phải như thế nào”.
Hộ gia đình ông Phùng Xuân Phúc (thôn 9, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà) là một trong những hộ điển hình trong việc tiết kiệm điện. Nhà ông có máy xay xát cà phê, sau khi xay xong, tất cả vỏ cà phê đều được ông tái sử dụng, đun nấu thức ăn cho gia cầm, gia súc… làm nước nóng. Phần còn lại ông phơi khô, dự trữ làm chất đốt cho mùa mưa. Theo ông Phùng Xuân Phúc đây là cách tiết kiệm an toàn, hiệu quả về kinh tế khá cao. Tính ra một năm ông tiết kiệm trên 1- 2 triệu đồng.
Điều đáng nói là để thay đổi ý thức tiết kiệm của đồng bào dân tộc không phải một sớm một chiều. Anh Nguyễn Hồng Phong, Bí thư đoàn Thanh niên xã Tân Thanh cho biết, hầu như đồng bào ở đây rất thích sử dụng bóng đèn dây tóc, vì ánh điện màu vàng tạo cảm giác ấm áp hơn. Để thay đổi thói quen chuyển từ đèn dây tóc sang đèn compact phải có cả một quá trình. Mới đầu, họ không chịu thay đổi. Sau khi thuyết phục họ và dùng thử một tháng, kết quả tiền điện giảm hẳn. Lúc đầu khoảng 2-3 hộ dân, sau một tháng, gần 99% hộ dân chấp nhận sự thay đổi hoàn hảo này.
Áp dụng mô hình mới vào sản xuất
Gia đình anh K’ Brin thôn 7, xã Tân Thanh có cách tiết kiệm điện nước khá đặc biệt, bằng cách áp dụng công nghệ mới. Dùng 1 tấm pin tích hợp năng lượng mặt trời, công suất 175W. Năng lượng từ pin sẽ được dẫn tới một mô-tơ, sau đó sẽ vận hành hệ thống bơm lấy nước từ dưới mương và dẫn nước theo hệ thống ống dẫn nước tới tận gốc cây. Hệ thống ống dẫn nước từ máy bơm lên đến vườn cây được sử dụng loại ống nhựa phi 40, khi đến gốc cây được phân thành nhánh theo hàng cây với loại ống nhỏ phi 14. Tại mỗi gốc sẽ có 2 van xả nước, nhỏ đều từng giọt và chỉnh lượng nước vừa đủ độ ẩm cho cây phát triển.
Anh K’Brin nói: “Việc sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời sẽ tạo điều kiện cho cây phát triển xanh tốt hơn nhờ gốc cây luôn giữ được độ ẩm, bổ sung liên tục một lượng nước vừa đủ cho cây phát triển. Sau khi sử dụng hệ thống này kết quả cho thấy, vườn cà phê không còn rụng trái non, hoa không còn bị héo như trước, trái hạt chắc hơn. Vì vậy, năng suất vườn cây có thể tăng từ 25 - 30% so với trước, tiết kiệm tiền điện mỗi tháng vì phải dùng điện để bơm nước. Trước đây, bình quân vào mùa khô gia đình tôi phải tưới ít nhất 4 lần/mùa, chi phí lên đến hơn 10 triệu đồng tiền điện một vụ cà phê, nhưng nay không tốn một đồng nào”.
|
Hướng dẫn các bà con tham khảo thêm những kiến thức tiết kiệm điện trên các tờ rơi, hoặc cẩm nang tiết kiệm điện của ngành Điện - Ảnh: Diệu Hiền. |
Trưởng thôn Nguyễn Văn Thành tâm sự: “Lúc đi họp với Lãnh đạo Điện lực Lâm Hà về việc phổ biến chương trình tiết kiệm điện đến với đồng bào, tôi thấy lo lắm, lo vì đồng bào ta chưa biết tiết kiệm điện, chưa mạnh dạn đổi mới và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để tiết kiệm điện. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư ban đầu cho việc tiết kiệm điện cũng khá cao, nên bà con còn rụt rè e ngại. Nhưng khi thấy được lợi ích giảm chi phí từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn một tháng thì bà con rất hoan nghênh. Từ đó, hơn 99 % đồng bào nơi đây đều tham gia nhiệt tình".
Theo ông Đặng Thanh Bình, Phó Giám đốc Điện lực Lâm Hà, công tác phối hợp tuyên truyền tiết kiệm điện trên địa bàn Lâm Hà trong thời gian gần đây đã có những thay đổi tích cực, không chỉ hộ dân, doanh nghiệp đã cùng bắt tay với ngành Điện mà cả các thôn, buôn đồng bào cũng hưởng ứng tích cực. Trong năm 2013, ước tính sản lượng tiết kiệm điện tại địa bàn Lâm Hà khoảng 1,9% so với điện thương phẩm.