Đó là thông điệp chính mà nhiều sứ quán trên thế giới đưa ra trong nỗ lực biến nơi làm việc trở thành những sứ quán Xanh, bắt đầu từ việc nhớ tắt điện khi ra khỏi phòng cho đến xây tòa đại sứ cho đúng chuẩn thân thiện với môi trường.
Mỹ: Lan tỏa sáng kiến
Từ trước tới nay, các sứ quán dường như không phải là những ứng viên sáng giá cho việc gìn giữ môi trường. Điều này xuất phát từ thực tế là các sứ quán thường là các tòa nhà cũ hoặc được thiết kế chú trọng đến mặt an ninh hơn là tính năng tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, các sứ quán nước ngoài ở Mỹ hoặc các sứ quán Mỹ ở nước ngoài đã nhanh chóng tập hợp lại và phát động các chiến dịch làm cho các sứ quán trở nên thân thiện hơn với môi trường trong thời kỳ biến đổi khí hậu.
“Đó là một phần của ngoại giao công chúng”, Kari Mokko, thư ký báo chí của Đại sứ quán Phần Lan ở Washington nói khi “khoe” các hệ thống chiếu sáng hiện đại và những cách cửa dày của sứ quán. Vào tháng 1/2010, tòa nhà này trở thành sứ quán đầu tiên ở Washington đạt được chứng chỉ tòa nhà xanh (LEED - viết tắt của từ Thiết kế hàng đầu bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng).
Được xây dựng từ năm 1994, Đại sứ quán Mỹ ở Phần Lan đã trải qua một đợt cải tạo nhỏ, chủ yếu là hệ thống điều hòa. Tòa nhà nguyên bản đã được thiết kế với cửa sổ dày, làm theo tiêu chuẩn xứ lạnh của Phần Lan. Sự cải tạo này đã giúp cắt giảm chi phí năng lượng hàng năm của sứ quán khoảng 150.000 USD.
Vào thời điểm đó, Mỹ cũng có ba sứ quán đạt chứng chỉ LEED ở Panama, Bulgaria, Nam Phi.
|
Các đại sứ Anh, Đan Mạch và Mỹ ở Serbia bỏ chai thủy tinh vào thùng rác dành cho thủy tinh tái chế. |
Tiết kiệm năng lượng là mục tiêu hàng đầu. Philip Breeden, người phát ngôn của sứ quán Mỹ ở London cho biết việc xây lại hệ thống ánh sáng của tòa nhà đã tiết kiệm 80% năng lượng. Pin mặt trời cũng được sử dụng ở nhiều sứ quán Mỹ.
Một lĩnh vực quan trọng khác là tiết kiệm nước. Ví dụ, sứ quán Mỹ ở Bulgaria đã tiết kiệm được lượng nước khoảng 20% nhờ sử dụng hệ thống tưới tiêu thông minh bên ngoài và dùng nước hợp lý bên trong tòa nhà. Sứ quán Mỹ ở London cũng đã sử dụng bồn cầu không nước từ nhiều năm nay.
Điểm nhấn thứ ba là giao thông. Ở Copenhagen, các nhân viên sứ quán Mỹ có thể mượn xe đạp để đi họp và sứ quán Mỹ ở Zagreb (Croatia) khyến khích nhân viên sử dụng phương tiện công cộng.
Đối với nhiều quốc gia, việc cải tạo các tòa nhà sứ quán góp phần thể hiện giá trị và bản sắc quốc gia. Mokko nói rằng có nhiều đoàn khách từ sứ quán khác ở Washington đã đến sứ quán Phần Lan để học hỏi về quy trình tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Đối với Mỹ, các sứ quán đã cung cấp cơ hội để thể hiện cam kết về môi trường và năng lực công nghệ, theo Tổng giám đốc Dịch vụ ngoại thương Mỹ Suresh Kumar, chi nhánh của Bộ Thương mại Mỹ.
Liên đoàn các sứ quán Xanh được Đại sứ quán Mỹ thành lập năm 2007 ở Thụy Điển, hiện quy tụ khoảng 90 cơ quan ngoại giao trên toàn thế giới với mục tiêu hướng tới sử dụng năng lượng hiệu quả.
Ông Blyth đến từ Cục quản lý nhà nước ngoài, Mỹ nói rằng tất cả các dự án mới đều hướng tới đạt chứng chỉ LEED - dù khiến chi phí xây dựng lên khoảng 1,5 triệu USD. Ông cho biết thêm sứ quán Mỹ ở Anh dự định sẽ được xây mới từ năm 2013 đến 2017.
Tuy nhiên, để đảm bảo được các tiêu chí cho tòa nhà sứ quán thân thiện với môi trường không phải dễ. Nhiều sứ quán phải thuê nhà và họ có ít quyền để cải tạo. Hơn nữa, cấu trúc nhiều tòa nhà cũ có thể hạn chế việc lắp đặt các thiết bị điện mới. Vấn đề an ninh cũng là một yếu tố phải cân nhắc.
Pháp: Ươm mầm xanh
Sứ quán Pháp ở Washington đã thông qua Dự án sứ quán Xanh năm 2009. Kế hoạch hành động này tập trung vào các lĩnh vực giao thông, năng lượng, rác thải, mua sắm, nước nhằm giảm lượng khí thải nhà kính một nửa và tiết kiệm 40% năng lượng vào năm 2015.
Dự án sứ quán Xanh là một chương trình đầy tham vọng nhằm làm mới tòa sứ quán cũng như thay đổi thói quen hàng ngày: lắp đặt mới một hệ thống điều hòa nóng lạnh, mua mới các thiết bị điện tiêu thụ ít carbon, nhiệt độ nước nóng được sử dụng thấp hơn, sử dụng xe đạp điện đi làm và phân loại nước đúng cách. Sứ quán cũng trồng cỏ bao phủ tầng mái của tòa nhà, được Đại sứ Delattre khai trương hồi tháng 6/2013.
|
Sứ quán Pháp khuyến khích sử dụng xe đạp. |
Trong hai năm, với số tiền đầu tư 300.000 USD đầu tư ban đầu, sứ quán đã tiết kiệm gần 200.000 USD trên các hóa đơn năng lượng.
Sứ quán Pháp ở Mỹ cũng đã tham dự vào Diễn đàn các sứ quán Xanh ở Washington, một đối tác giữa Bộ Ngoại giao Mỹ, Mạng lưới Ngày Trái Đất và cộng đồng ngoại giao ở Washington và tham gia nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường như “Ngày đi làm bằng xe đạp” hoặc “Trồng rau trong vườn sứ quán”.
Đan Mạch: Bước đi nhỏ, thành quả lớn
Mùa xuân năm 2009, sứ quán Đan Mạch ở Belgrade (Serbia) đưa ra một loạt biện pháp nhằm biến sứ quán thành một nơi làm việc thân thiện với môi trường. Cho đến nay, sau 4 năm, lượng điện tiêu thụ của sứ quán đã tiết kiệm hơn 50%, con số vượt ngoài dự kiến.
Sứ quán đã thay đổi các thiết bị điện mới tiết kiệm năng lượng nhưng điều quan trọng là thay đổi thói quen sử dụng các thiết bị điện. Chẳng hạn, mọi nhân viên sứ quán đều nhớ tắt các thiết bị ở chế độ chờ vào ban đêm và tắt bóng đèn khi ra khỏi phòng. Thêm vào đó, sứ quán cũng đã mua rèm chống nắng để giảm lượng tiêu thụ điện khi bật điều hòa, dùng khí đốt để sưởi. Những việc làm này đã có những đóng góp ấn tượng vào việc bảo vệ môi trường và một điều không thể bàn cãi là giảm chi phí cho các hóa đơn điện.
Sứ quán cũng đã sáng kiến chương trình tái chế nhựa, thủy tinh, giấy và kim loại. Chương trình tái chế thủy tinh ban đầu gặp không ít khó khăn khi không có nhà máy nào ở Serbia nhận xử lý thủy tinh tái chế. Tuy nhiên, nhờ những kết quả to lớn của Dự án sứ quán Xanh, các sứ quán Anh, Mỹ, Hà Lan, Na Uy và Thụy Điển ở Serbia cũng tham gia cùng với Đan Mạch trong các chiến dịch tái chế thủy tinh.
Cũng trong năm 2009, Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội cũng bắt đầu triển khai sáng kiến Đại sứ quán Xanh, tập trung vào ba lĩnh vực chủ yếu: Giảm tiêu thụ điện năng, giảm sử dụng giấy và sử dụng vật liệu sạch dễ phân huỷ bằng sinh học. Nhiều poster sáng tạo về tiết kiệm điệm được sứ quán sử dụng, chẳng hạn như “Bạn có phải là người cuối cùng rời khỏi văn phòng? Nhớ tắt các thiết bị điện”...
Philippines: Biểu trưng của sự tôn kính
Tòa nhà sứ quán Philippines ở Brunei có giá trị 2,4 triệu USD được thiết kế hai tầng với rất nhiều cây xanh trên tường.
Ông Benavidez, Đại sứ Philippines ở Brunei cho biết tòa nhà “được thiết kế đồng bộ với những thiết bị thân thiện với môi trường và cảnh quan xung quanh phù hợp với kiến trúc của các quốc gia Hồi giáo như Brunei. Điều này giúp tiết kiệm nước, điện năng, ít phải sử dụng điều hòa”.
Kiến trúc sư trưởng Felino Palafox Jr nói rằng thiết kế của tòa nhà này được lấy cảm hứng từ một kiểu nhà ở nông thôn Philippines, tên là bahay kubo. Sân rộng ở phía trước làm cho tòa nhà được làm mát một cách tự nhiên. Hướng chính quay về hướng Đông nhằm hạn chế sức nóng của mặt trời. Thảm cây trên mái giúp tản nhiệt. Các phòng được sắp xếp để có thể đón ánh sáng tự nhiên. Các bức tường được trồng cây xanh và sơn xanh bởi trong Hồi giáo, màu xanh là biểu trưng của sự tôn kính. Một chiếc gương cổ được treo trong tòa nhà được xem là biểu tượng cho nền văn hóa lâu đời và giàu có của một đất nước Hồi giáo.
Một nhà thiết kế nội thất cho tòa nhà này nói thêm rằng “những nguyên tắc của thiết kế xanh bao gồm kiến trúc xanh, đô thị xanh, năng lượng xanh, công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng xanh và phát triển xanh bền vững là xu hướng mới toàn cầu và những điều này được phản ánh trong toà nhà sứ quán Philippines ở Brunei”.
Sứ quán mới này cũng được thiết kế để tất cả các văn phòng của các bộ phận chức năng trong sứ quán đều hướng ra mặt tiền và tầng trệt để cho người dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng.