Dự án bất động sản “thiếu vắng” công trình xanh

Ngoài yếu tố cây xanh, công trình xanh là công trình sử dụng năng lượng hiệu quả nhất, cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội và mang lại môi trường sống tốt nhất, nhưng tới nay số lượng công trình xanh vẫn rất ít

Dự án BĐS “quên” mảng xanh

Trong buổi “Đối thoại với lãnh đạo toàn cầu về biến đổi khí hậu (BĐKH) và tiếp cận năng lượng sạch tại Việt Nam” diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc EuroCham, cho biết, việc xây dựng các công trình xanh tại Việt Nam hiện vẫn đang trong giai đoạn sơ khai với chỉ khoảng 40 công trình trong nước được cấp giấy chứng nhận công trình xanh, trong đó phần lớn thuộc lĩnh vực công nghiệp.

Các công trình xanh tại Việt Nam hiện vẫn còn rất hạn chế - Ảnh: Nguồn Internet.

Còn tại hội thảo "Đánh giá, công nhận, cấp chứng chỉ công trình xanh ở Việt Nam”, bà Nguyễn Thái Thuật Hiền - một chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế mảng xanh, cho rằng công trình xanh thường “đội” tổng vốn đầu tư các dự án bất động sản (BĐS) có thể lên đến 10 - 20%. Do vậy, nhiều chủ đầu tư dự án thường có xu hướng cắt giảm mảng xanh, tăng diện tích sàn xây dựng để nâng cao phần lợi nhuận.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho biết, người dân không chỉ có nhu cầu ở mà còn có nhu cầu "thở". Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần các dự án nhà ở, dự án phát triển đô thị lại ít hoặc không xây dựng mảng xanh, thậm chí cắt xén đất dành cho cây xanh để xây dựng các công trình thương mại, dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh.

Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, hầu như dự án nào cũng vi phạm về công trình công cộng, chủ đầu tư đã "hô biến" phần diện tích xây dựng công viên cây xanh để xây nhà hàng, sân quần vợt, siêu thị...  Nhiều dự án dù đã đưa vào khai thác, cư dân sinh sống ổn định nhưng vẫn không hoàn thiện các hạng mục công trình công cộng, trong đó có công viên cây xanh.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đã có các chính sách khuyến khích, thúc đẩy, thậm chí bắt buộc doanh nghiệp triển khai công trình xanh, mặt khác tăng cường chế tài đối với các dự án vi phạm trong vấn đế thiết kế quy hoạch mảng xanh, tiết kiệm năng lượng…Ví dụ như việc ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg (gạch không nung chiếm 30-40% đến năm 2020), Chỉ thị số 10/CT-TTg và Thông tư 09 /2012/TT-BXD (100% dự án nhà nước và các công trình từ 9 tầng trở lên phải sử dụng hơn 50% vật liệu xây không nung) và Nghị định 121/2013/NĐ-CP (áp dụng mức phạt 20-30 triệu đồng đối với các cá nhân vi phạm). Tuy nhiên, theo EuroCham, các quy định này chưa được thực hiện hiệu quả

Cần thay đổi nhận thức

Công trình  xanh tác động rất lớn trong thời gian dài đối với cộng đồng, những cư dân sống trong công trình xanh  sẽ  là người  được hưởng lợi từ việc tiết kiệm các chi phí, thể hiện rõ ở hóa đơn tiền điện, tiền nước, giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng và nâng cao năng suất lao động, và sức khỏe của người sử dụng công trình … đặc biệt môi trường sinh thái bền vững theo chuẩn mực xanh toàn cầu, và tuổi thọ công trình bền vững hơn.

Không chỉ tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm thông qua tích kiệm điện trong mỗi công trình, tòa nhà, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm thải khí CO2 ra môi trường. Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn. Theo các chuyên gia, phải có được các chủ đầu tư tận lực, tận tâm, cùng chung chí hướng; phải có các thiết kế xây dựng đồng bộ với những cam kết tuân thủ ngay từ đầu các quy chuẩn.

Trao đổi với Báo Thanh tra, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang Corporation, một trong những chủ đầu tư rất mặn mà với công trình xanh  cho biết: Làm  công trình xanh đã khó, thì nay công trình xanh theo tiêu chuẩn Leed (USGBC – Hoa Kỳ), do Leed được đánh giá là đầy khắt khe với những quy định, quy chuẩn nghiêm ngặt nhất. Việc phát triển công trình xanh sẽ khuyến nghị những nhà sản xuất tuân thủ quy trình và chất lượng theo chuẩn mực xanh, và kéo theo sự phát triển của các ngành công nghệ xanh, vật liệu xanh… gián tiếp tác động đến ngành sản xuất bền vững. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư còn e ngại vì làm tăng tổng vốn đầu tư lên nhiều như, chi phí tư vấn xanh… và chi phí đăng ký cấp chứng nhận xanh, kéo dài thời gian thi công do thủ tục phức tạp. Do đó, buộc chủ đầu tư phải lựa chọn tăng giá thành hoặc giảm bớt lợi nhuận.

“Để phát triển Dự án căn hộ cao cấp Diamond Lutus theo tiêu chuẩn xanh LEED của Mỹ, chúng tôi đã phải tốn thêm 10% - 12%  chi phí đầu tư ban đầu cho dự án. Song, không phải vì xây dựng xanh mà buộc khách hàng phải trả giá thêm cho sản phẩm, bởi giá căn hộ hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố cung cầu của thị trường và đây cũng là vấn đề khó cho doanh nghiệp”- Bà Mậu cho biết thêm.

Theo các chuyên gia, do lợi ích bền vững của các công trình xanh cũng như nhận thức của các chủ đầu tư và khách hàng, thị trường công trình xanh dự báo tăng trưởng ở mức 13% giai đoạn 2015-2020

Bộ Xây dựng cho biết, cùng với sự tăng trưởng về số lượng các tòa nhà và quy mô diện tích sàn thì tiêu thụ năng lượng trong khu vực này cũng gia tăng đáng kể hàng năm. Bởi vậy việc áp dụng các công trình xanh theo tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng tất yếu để nâng cao chất lượng cuộc sống và tiết kiệm năng lượng cho quốc gia.

Trong buổi: “Hội thảo Đánh giá, công nhận, cấp chứng chỉ công trình xanh ở Việt Nam”, ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) đưa ra đề xuất: “Với sự tăng nóng của thị trường xây dựng Việt Nam, rõ ràng chúng ta cần làm cuộc cách mạng xanh trong xây dựng sẽ góp phần giảm sử dụng năng lượng trong quá trình vận hành, đem lại chất lượng cuộc sống tốt hơn. Nhà nước cần ban hành chính sách tổng thể nhằm ưu đãi cụ thể đối với các công trình xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các tổ chức tín dụng cho vay ưu đãi; triển khai dán nhãn, cấp chứng chỉ cho vật liệu, thiết bị, công trình tiết kiệm năng lượng, công trình xanh, lúc đó mới khuyến khích được sự tham gia của xã hội”.


  • 24/03/2017 09:27
  • Theo: thanhtra.com,vn
  • 2543