Ở nước ta điện năng chiếu sáng chiếm khoảng 35% tổng điện năng tiêu thụ; trong khi trên thế giới tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 17%. Hiện đại hóa hệ thống đèn đường nhằm tiết kiệm điện năng và chi phí, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng chiếu sáng được xem là một giải pháp cấp bách.
Trong bối cảnh đó, nhóm các thành viên của doanh nghiệp S3 (Smart Streetlight System) đã đưa ra giải pháp, gồm các bộ điều khiển kết nối trực tiếp với trụ đèn giao thông không dây về một bộ trung tâm. Bộ trung tâm kết nối internet để truyền nhận dữ liệu và thông qua phần mềm trên máy tính để kiểm soát và điều khiển từ xa: Thiết lập hẹn giờ cho từng chế độ chiếu sáng, tắt/mở trực tiếp từ xa, cảnh báo đèn hư hỏng, hiển thị trạng thái chiếu sáng từng đèn.
Theo anh Phan Minh Hiếu thành viên nhóm S3, việc kiểm soát tự động tắt/mở hoặc tăng/giảm độ sáng từng đèn thông qua công nghệ truyền dẫn không dây và internet sẽ tiết kiệm điện năng tiêu thụ, giảm chi phí bảo trì và hiện đại hóa hệ thống đèn đường chiếu sáng công cộng. Giải pháp của nhóm có thể tiết kiệm 30-70% điện năng sử dụng và đã nhận được giải thưởng cao nhất của SHTP trị giá 60 triệu đồng. Sản phẩm sử dụng nền tảng công nghệ truyền thông không dây có tích hợp tính năng Repeater Mesh Grip do Công ty ACIS Technology phát triển.
Ngoài giải nhất cho dự án khác, dự án hệ thống đèn đường thông minh S3, Ban tổ chức còn trao 4 giải Khuyến khích cho các dự án Hệ thống giám sát và cảnh báo các vấn đề tim mạch; dự án Khóa cửa thông minh - GTekLock; dự án Thiết bị tương tác với các thiết bị điện tử trong nhà và dự án Ứng dụng mạng hệ thống cảm biến không dây trong quan trắc chất lượng nước thải công nghiệp.
Ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, cho biết khu công nghệ cao sẽ ưu tiên xét chọn các dự án có khả năng thương mại hóa cao này vào chương trình ươm tạo doanh nghiệp IoT của Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Quốc, Ban giám khảo của cuộc thi là những chuyên gia trong ngành IoT và các quỹ đầu tư cũng đã đánh giá những dự án đạt giải là rất thiết thực trong cuộc sống để có thể thương mại hóa. Một số quỹ đầu tư sẽ xem xét để chọn dự án nhằm rót vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển thương mại.
Với mục tiêu ươm tạo và hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực IoT (Internet of Things - Internet kết nối vạn vật), cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên này đã được phát động rộng rãi trong các trường đại học, viện nghiên cứu, cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn TPHCM và các địa phương lân cận.