Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều nỗ lực, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh được duy trì ổn định và đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều tiềm năng, lợi thế của tỉnh, nhất là các lợi thế về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao được nhận diện rõ hơn, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư chiến lược và bước đầu khai thác hiệu quả. Nhiều dự án quy mô lớn đã và đang đầu tư phát huy hiệu quả, tạo động lực mới, sức bật mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, tỉnh đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế riêng có để phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, chủ yếu là điện gió và điện mặt trời. Chỉ trong hơn một năm đã có hơn 1.000 MW năng lượng gió, năng lượng mặt trời, qua đó, đóng góp lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh Ninh Thuận có nhiều tiềm năng để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước - Ảnh: Minh Phương.
|
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ninh Thuận vẫn còn gặp không ít khó khăn, trong đó có việc giải toả công suất của các nhà máy năng lượng tái tạo đã đầu tư và sắp đầu tư. “Trong thời gian tới, yêu cầu Ninh Thuận tiếp tục tranh thủ thời cơ, khai thác lợi thế, vượt qua khó khăn để phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện nay, nhu cầu dùng điện ngày càng tăng, sức ép phải tái cơ cấu nguồn điện ngày càng lớn theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời. Với tiềm năng riêng có của tỉnh, Ninh Thuận hoàn toàn có thể trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước...
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, tính đến hết tháng 9/2019, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo của tỉnh khoảng 1.150 MW, trong đó điện mặt trời khoảng 1.040 MW, điện gió 110 MW.
Tính đến 30/6/2019, tỉnh Ninh Thuận đã vận hành thương mại 19 dự án năng lượng tái tạo, tổng công suất 1.050 MW, trong đó 15 dự án điện mặt trời (công suất 971 MW) và 4 dự án điện gió (công suất 79,4 MW).
Nhằm giải quyết quá tải lưới điện truyền tải dẫn đến phải giảm phát các nguồn điện năng lượng tái tạo, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị phương án lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án nhà máy điện mặt trời tại khu vực Thuận Nam với quy mô công suất 450 MW kết hợp với đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải 500 kV đấu nối và truyền tải công suất các nhà máy khu vực lân cận vào hệ thống điện quốc gia. Hiện nay, các bộ, ngành đang xem xét phương án này.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhất trí với đề xuất của tỉnh về việc khẩn trương đầu tư các công trình truyền tải để giải toả công suất của các nhà máy năng lượng tái tạo trên địa bàn. Đối với các công trình đã có trong quy hoạch, ông Đặng Hoàng An đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ để triển khai nhanh, giải toả công suất cho các nhà máy năng lượng tái tạo.
Đối với những công trình cấp bách đang đề xuất triển khai, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị tỉnh phối hợp với Bộ Công Thương và EVN sớm hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị đầu tư; thu hút nhà đầu tư theo hướng xã hội hoá.