Việt Nam sẽ có nhiều giải pháp phát triển năng lượng hiệu quả, bền vững - Ảnh: Ng.Tuấn. |
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, để phát triển ngành năng lượng bền vững, Việt Nam cần sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các đối tác phát triển có thế mạnh về vốn, khoa học công nghệ và quản lý.
Những năm qua, Việt Nam và Đức đã tích cực triển khai hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và lưới điện truyền tải. Đặc biệt, Chính phủ Đức đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát triển các dự án điện gió thông qua hỗ trợ phát triển chính thức. Trong thời gian tới, dự kiến hai nước sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững, cụ thể về điện gió, điện mặt trời, lưới điện thông minh, lưu trữ năng lượng và nghiên cứu khoa học công nghệ.
Bộ Công Thương cho biết, nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã tăng rất nhanh trong 15 năm qua với mức tăng trưởng năng lượng thương mại khoảng 9,5%/năm và sẽ tiếp tục tăng khá cao trong 15 năm tới. Nhu cầu tiêu thụ điện năng của Việt Nam cũng đã tăng trung bình khoảng 13%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010 và khoảng 11%/năm trong các năm 2011 đến 2016.
Năm 2015, tổng năng lượng tiêu thụ toàn quốc của Việt Nam là khoảng 55 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chiến lược Phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội: Cụ thể đến năm 2020 đạt khoảng 100-110 triệu TOE năng lượng sơ cấp và khoảng 310-320 triệu TOE vào năm 2050.
Để đảm bảo an ninh năng lượng, Việt Nam hiện đang chuyển đổi từ một nước xuất khẩu năng lượng thành một nước nhập khẩu năng lượng, dự kiến nhập khẩu khoảng 17 triệu tấn than, chiếm 31% nhu cầu than cho phát điện vào năm 2020.
Tại hội thảo, các chuyên gia hàng đầu về năng lượng đã đánh giá các tác động của bối cảnh năng lượng thế giới tới Việt Nam, đồng thời thảo luận về các thách thức và các giải pháp nhằm phát triển hệ thống năng lượng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.